From: L.T.N.
Sent: Monday, September 28, 2009 5:39 PM
Đọc tâm sự của bạn, tôi rất thông cảm với những gì xảy ra với bạn trong quá khứ. Nhưng tôi nhìn nhận việc này khác với bạn. Đó là hậu quả của một xã hội bảo thủ, trong đó cái riêng của mỗi người không được tôn trọng, bị kìm kẹp và bắt mọi người phải sống theo khuôn mẫu cứng nhắc, giáo điều. Khi mà ai cũng coi ly dị là xấu làm cho những đứa trẻ vô tội bị phân biệt đối xử, những gia đình không còn hạnh phúc nhưng vẫn phải sống giả tạo vì sợ dư luận xã hội ảnh hưởng đến công việc, và nhất là với con cái mình.
Chúng ta thật may mắn khi xã hội chúng ta bây giờ đã tiến bộ hơn nhiều so với trước đây. Con người đã được cởi trói, được phép sống thực hơn với chính mình, mà có thể thậm chí phớt lờ những ai còn suy nghĩ lạc hậu về chuyện này. Ai làm ra điều đó? Chính chúng ta, mỗi thành viên trong xã hội này. Những câu hỏi mà bạn từng bị hỏi có lẽ bây giờ cũng chả có gì khó để trả lời. Những đứa trẻ hoàn toàn có thể trả lời rằng "tại bố mẹ tớ ly dị rồi". Việc đấy quá bình thường, có sao đâu?
Tại sao tôi có thể nói như vậy? Bởi vì ở lớp con gái tôi khi cháu lên lớp 6, cả lớp mới chỉ có 4 gia đình bố mẹ chia tay. Sau 2 năm, tỷ lệ này là 15/50. Xã hội ta đã kém hạnh phúc hơn? Tôi không cho là như vậy. Tôi nghĩ là chúng ta đã hạnh phúc hơn vì chúng ta đã dám đi tìm hạnh phúc cho mình nếu chẳng may lỡ sai lầm trong việc chọn vợ/chồng (sai lầm này có thể chỉ đơn giản là hai người không hợp nhau về cách sống, quan niệm sống...). Không kể đến những anh chàng Don Joan hay những chị em có tính lăng nhăng, tôi cho rằng xã hội thế là tiến bộ.
Những đứa trẻ trong cuộc cũng chả cần đến sự thương hại của người đời và có thể cứ việc ngẩng cao đầu mà sống. Tuy nhiên, dù đã bắt đầu nhưng tôi nghĩ xã hội ta cũng cần phát triển hơn nữa để tiến bộ hơn nữa. Đó là khi tình yêu không còn thì đừng coi nhau là kẻ thù. Hãy chuyển hóa nó thành tình bạn, đừng để đến khi căm ghét chả muốn nhìn mặt nhau nữa mới đành chấp nhận chia tay. Các ông bố, bà mẹ dù chia tay nhau cũng hãy tôn trọng lẫn nhau, cùng chung tay nuôi nấng chăm sóc dạy bảo con cái, chứ không phải là chiều chuộng giành giật, nói xấu nhau với con, chia rẽ con cái với người kia; hay ngược lại bỏ bê vô trách nhiệm.
Dù không thật hoàn hảo, nhưng nếu làm được như vậy thì tôi nghĩ thật may mắn cho những đứa trẻ ấy vì bố mẹ chúng đã không tạo gương xấu sống giả dối trước mặt chúng; những đứa trẻ ấy sẽ vẫn lớn lên với tình thương yêu của cả bố và mẹ, thậm chí đã được rèn luyện cách sống mạnh mẽ hơn khi mọi chuyện không được hoàn hảo. Bởi thực tế là cuộc sống chả bao giờ hoàn hảo cả.
Dù chia tay, và các cháu đang sống với mẹ, tôi vẫn qua lại thường xuyên, vẫn chăm sóc các cháu, cuối tuần hay lúc nào các cháu thích vẫn đưa các cháu về nhà tôi hay đi chơi. Tôi cũng vẫn thỉnh thoảng đi họp phụ huynh cho các cháu, vẫn thường xuyên trao đổi với nhau về việc uốn nắn các cháu và vẫn dạy các cháu học bài (trực tiếp khi các cháu về nhà tôi hay qua điện thoại). Tôi nghĩ nếu hai người chia tay mà vẫn làm được như vậy thì dù không hoàn hảo nhưng các cháu sẽ vẫn có thể lớn lên bình thường; và còn tốt hơn rất nhiều so với những gia đình mà bố mẹ đóng kịch với nhau hay tệ hơn cãi nhau, chửi mắng nhau trước mặt các con.
Đừng cường điệu hóa hệ quả của việc ly dị tới trẻ con. Nó chỉ tệ khi một hay cả hai người trong cuộc là những người thực sự tệ bạc. Mà trong trường hợp ấy thì việc họ không ly dị chắc gì đã tốt hơn cho con cái?