Vừa kết thúc chuyến công tác châu Âu, anh Hoàng Điệp (35 tuổi) và chị Thư Thuý (34 tuổi) lại chuẩn bị cùng nhau đi công tác ở Mỹ, trong khuôn khổ hoạt động của Hội Liên hiệp thanh niên quốc tế IYF - tổ chức phi chính phủ họ cùng tham gia, chuyên cung cấp kỹ năng sống cho các thanh niên. 10 năm kể từ ngày anh Điệp thoát khỏi ma tuý, cũng là 10 năm hôn nhân và ngần ấy thời gian họ tạo lập sự nghiệp của riêng mình, nhưng vẫn luôn song hành cùng nhau. Hiện anh Điệp là giám đốc một công ty cung cấp thực phẩm chức năng, còn chị Thuý có một công ty hỗ trợ giáo dục.
Có thể tự tin đã thành đạt nhưng Nguyễn Hoàng Điệp chẳng ngại đứng giữa hàng nghìn người thừa nhận: "Tôi từng là một người nghiện", bởi đó là một phần tuổi trẻ tối tăm mà anh đã bứt phá được.
Điệp sinh ra trong gia đình có bố mẹ yêu chiều ở Đông Anh (Hà Nội). Thành niên, cậu đua đòi theo chúng bạn rồi dần học được mọi thói hư tật xấu. Sau một lần tổ chức cướp xe máy không thành, Điệp bị xử 3 năm tù treo. Từ đó cậu bỏ học, lêu lổng, sa vào ma tuý.
Lúc Thuý quen với Điệp, cô gái lớp 12 không hề biết quá khứ bất hảo của bạn trai. "Có thể nhiều người sẽ ấn tượng với bề ngoài đẹp trai của anh, nhưng tôi thì chỉ thấy anh có vẻ gì đó rất hiền. Sau nhiều lần vô tình gặp nhau tại nhà anh họ của tôi thì hai đứa thân thiết và yêu nhau", cô chia sẻ.
Sinh ra trong một gia đình gia giáo, Thuý chỉ biết học, ít va chạm xã hội nên yêu Điệp đến năm hai đại học cô vẫn không nhận ra dấu hiệu của một người dính vào nhiều tệ nạn xã hội. "Thi thoảng hai đứa gặp nhau, nhiều lúc thấy anh ấy mệt mỏi, mắt lờ đờ, nói trước quên sau, nhưng tôi cũng không biết đó là dấu hiệu của người nghiện", Thúy nói.
Bố mẹ cô biết chuyện đã sang quê Điệp điều tra về gia thế và không khó để phát hiện cậu chơi bời, nghiện ngập. Họ khuyên nhủ, cấm đoán, thậm chí còn doạ không cho cô đi học nữa. Thúy nửa tin nửa ngờ bạn trai, bị stress, thường xuyên mơ đến những người điên và nghiện.
Về phần Điệp, đến năm sa ngã thứ 6, anh xác định không thể thoát được con đường này nên thú nhận: "Đừng yêu anh nữa, anh nghiện nặng", khiến Thúy thực sự suy sụp.
"Lúc đó tôi suy nghĩ rất sai lầm rằng tình yêu sẽ thay đổi được anh. Vì thế tôi đã dốc hết tâm can khuyên nhủ, nghĩ rằng gặp nhiều anh sẽ không có cơ hội la cà bạn bè nữa. Tôi đã cùng anh đi bác sĩ, chứng kiến anh bị xích vật vã cơn thèm thuốc. Có lần đến 2 tháng anh không đụng ma tuý, nhưng rồi sau cùng vẫn không thoát được nó. Rõ ràng tình yêu của tôi không thể giúp được anh", cô nhớ lại.
Đỉnh điểm, một lần Thúy sang nhà Điệp thì thấy anh cùng với hai người nữa đi ngược chiều. Cô quay lại đuổi theo, chặn trước trước đầu xe ba người đang phóng bạt mạng vì sợ bị nhận ra đang làm điều sai trái.
"Anh tha thiết xin tôi, chỉ một lần duy nhất này nữa thôi. Lúc đó tôi đau khổ cùng cực. Tôi đi theo, bị anh bỏ lại một mình để đi một nơi nào đó. Lúc quay lại, anh không còn là anh nữa...", cô hồi tưởng.
Điệp bất lực, Thúy cũng vậy. Một bên bố mẹ cô lại gây áp lực, cắt tất cả liên lạc, ngày ngày đưa Thúy đi học, đón về. Cô cũng quyết tâm sẽ không gặp Điệp nữa. "Một hôm, sau hai tháng không liên lạc, anh gọi cho bạn tôi. Tình cảm của tôi lúc đó như một đống than âm ỉ trong tro tàn. Khi anh đến như một giọt dầu rơi xuống, mọi cảm xúc lại bùng lên", cô giãi bày.
Dằn vặt giữa cha mẹ và tình yêu, Thúy bế tắc, tìm đến chùa để giải thoát. Nhưng khi đặt chân tới chốn ấy, câu đầu tiên đập vào mắt cô là: "Tội lỗi lớn nhất của đời người là bất hiếu". Cô lại càng đau khổ hơn.
Cuối năm thứ 4 đại học, Thúy dự một triển lãm tại trường đại học của mình, do giáo sư Hàn Quốc Nam Jin Hyang - người sáng lập Hội Liên hiệp thanh niên quốc tế IYF - tổ chức. Từ đó, giáo sư Nam bắt đầu cố vấn tinh thần cho Thúy. Ông chỉ cho cô thấy khi tinh thần thay đổi, cuộc sống sẽ thay đổi. Sau một thời gian những vết thương lòng được chữa lành, cô chợt nghĩ ra chỉ có người này mới giúp được bạn trai mình.
Về phần Điệp đã nghiện sang năm thứ 8. Bao lần cai không được, ngẫm tới những người bạn, sáng còn chơi với mình chiều đã chết, vừa chơi phút trước, phút sau đã lìa đời, Điệp xác định rồi trước sau gì mình cũng có kết cục ấy nên quyết định về nhà để không phải chết đường, chết chợ. Khi gặp anh, vị giáo sư hỏi những câu tiếng Việt gần gũi: "Cháu khoẻ không? Sức khoẻ cháu thế nào? Nếu cháu mệt thì đến với tôi?".
"Những câu hỏi ấy gần gũi giống như của một người thầy, người cha, người mẹ, người bạn, thậm chí còn như một người nghiện giống mình. Tôi bất ngờ, xúc động, từ đó đi theo thầy học hỏi. Tôi biết được căn nguyên tại sao mình không thể cai nghiện được, đó là do tinh thần chưa đủ lớn", Điệp nói.
Những chia sẻ chân tình và gần gũi của thầy cứ thế mỗi ngày thay da đổi thịt Điệp. Giáo sư Nam bảo: "Một chiếc xe tốt chưa đủ, mà cần phải có cái phanh tốt mới đi nhanh, đi chậm được. Từ trước tới nay cháu không có phanh nên không kìm chế được, mà chỉ gây nguy hiểm cho cháu và người xung quanh". Ông hướng cho Điệp làm những việc anh không thích, thay vì làm những việc mình thích như trước kia. "Dần dần những việc tôi làm khiến bố mẹ vui, bạn gái vui. Từ niềm vui của họ, tôi cũng vui", anh nói.
"Nếu như trước đây, môi trường sống của tôi là gầm cầu, nghĩa trang, bãi rác hay các tụ điểm về ma túy, tối ngày chỉ biết làm cách nào để có tiền, có thuốc nhằm thoả mãn cơn thèm... thì nay tôi theo chân giáo sư và tổ chức IYF để làm các hội nghị, chương trình thiện nguyện ở vùng cao, tổ chức các lớp đào tạo tinh thần cho sinh viên ở các trường đại học..., đem đến nụ cười, hạnh phúc cho người khác. Qua đó, tôi tìm thấy ý nghĩa cuộc sống cũng như quyết tâm vượt qua mỗi khi cơn nghiện tới, rồi cuối cùng đoạn tuyệt với nó", anh Điệp cho biết.
Sau khi làm lại cuộc đời, Điệp theo học Đại học Thành Đông, Hải Dương. Anh tham gia khóa học Mind Education Specialist traning tại Hàn Quốc, Thái Lan và có bằng chuyên gia đào tạo tinh thần của Viện đào tạo tinh thần quốc tế. Hiện ngoài quản lý công ty, anh đi đào tạo tinh thần ở một số nước láng giềng và các trường đại học, cao đẳng, doanh nghiệp ở Việt Nam. Anh cũng tham gia vào các hoạt động của Hội Thanh niên quốc tế, Quỹ bảo trợ trẻ em và đào tạo tinh thần cho thanh niên tại Cục phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội).
Tháng 4/2008, tức chỉ 4 tháng sau khi cai nghiện, Điệp và Thúy tổ chức đám cưới. Ngày đó, vị giáo sư tiếp tục đứng ra bảo lãnh Điệp sẽ thay đổi để bố mẹ Thúy cho cưới. Tới nay thì chàng rể đã chiếm được lòng tin hoàn toàn của bố mẹ vợ. Hiện đôi vợ chồng có hai con trai 9 và 6 tuổi.
Phương pháp Mind Education (Đạo tào tâm thức) là hệ thống chương trình rèn luyện nhân cách và đào tạo kỹ năng sống cho thanh thiếu niên, do giáo sư Nam Jin Hyang (Hàn Quốc) sáng tạo ra. Ông cũng là giám đốc Hội Liên hiệp thanh niên quốc tế IYF tại Việt Nam - một tổ chức phi chính phủ về thanh thiếu niên lớn nhất thế giới - hiện có văn phòng đại diện ở 120 quốc gia trên thế giới.
Phan Dương