Vừa thấy chiếc xe hơi của Nguyễn Thúy Hằng (38 tuổi) dừng trước cửa nhà ở Hoàng Mai, Hà Nội, anh Phan Hải (42 tuổi), chồng cô vội rót nước sẵn để vợ vào uống cho đỡ khát. Người phụ nữ trong bộ đồ đen, giày thể thao, tóc tém nhuộm vàng đón cốc nước từ tay chồng, hớp một hơi rồi trả lại. Thoáng nhìn bề ngoài, khó tìm thấy nét nữ tính ở cô.
"Dạo này vợ chồng tôi bán quần áo online nên đổi kiểu tóc ngầu ngầu tí, ăn mặc cũng phải chất mới hút khách. Giờ nhìn hai đứa, ai cũng bảo hai thằng bạn", Hằng cười, cọ mái tóc ngắn cá tính vào vai chồng.
Nguyễn Thúy Hằng là con út trong một gia đình công chức ở Vĩnh Phúc. Được cưng chiều, cô trượt dài trong những cuộc vui thâu đêm ở quán bar, vũ trường. Năm 17 tuổi, bố mẹ chia tay khiến cô gái trẻ càng buông thả và tìm đến ma túy.
Tuổi 19, Hằng là một nữ sinh xinh xắn của trường cao đẳng đang theo học, nhưng mải vui, học được hai năm thì cô bỏ hẳn. Hàng chục lần, bà Lê Thị Chi nhốt con trong nhà, xích chân tay để cai nghiện nhưng được vài hôm, đứa con gái bất trị lại khoét tường trốn đi tìm thuốc.
Thời điểm đó, ở Hà Nội, bà Lê Thị Thành cũng phải sang Tiệp Khắc hai năm liền, phần để chăm cháu, phần để chạy trốn khỏi lời đàm tiếu. Phan Hải - con trai bà - nghiện nặng, trộm cắp, cướp giật, bao nhiêu tài sản trong nhà đều tiêu tan, bà thậm chí phải bán 80m đất mặt phố bố ruột để lại để có tiền tiêu.
Những năm 2000, như vô số kẻ say ma túy khác, Hằng và Hải vật vờ ở khu vực gần bến xe Giáp Bát hút chích. Nhiều lần được đàn anh cho thuốc, cho tiền, nên Hằng có cảm tình, theo Hải về nhà trọ sống chung. Được 10 ngày, Hằng bị bắt vào trung tâm cai nghiện. Hai người ra vào trại liên tục nên suốt 7 năm liền, họ bặt tin nhau.
Năm 2007, chích chung kim tiêm, Hằng nhiễm HIV. "Lúc biết mình bị bệnh, tôi lừa mẹ ‘con sắp chết rồi, mẹ cho con 20 triệu để mua thuốc uống mới sống được’. Mẹ cho tiền, tôi lại đem mua ma túy, tính chơi cho đã rồi chết, nhưng tôi lại không chết", Hằng kể. Năm 2009, cô bị bắt đi cai nghiện lần 3.
Sau 2 năm ở trung tâm, Hằng cắt được cơn nghiện. Bước về căn nhà xiêu vẹo, thấy người mẹ già ngồi thất thểu nhìn ra, lần đầu tiên cô biết ăn năn. Mắc căn bệnh khó chữa, không nghề nghiệp, không gia đình, Hằng tuyệt vọng. Chán nản, nhưng nghĩ đến việc chìm đắm trong ma túy rồi lại vật vã đau đớn vì bị bắt đi cai, Hằng muốn thoát ra.
Đúng lúc này, các thành viên của Dự án "Quỹ toàn cầu phòng chống HIV/AIDS" động viên cô tham gia, Hằng tặc lưỡi "làm cho có việc". Một lần cô cùng các đồng nghiệp về Hà Nội công tác và gặp lại Hải, lúc này đã cai nghiện được 3 năm.
Biết Hằng nhiễm HIV nhưng rung động cũ vẫn còn, Hải đề nghị về sống cùng. Hằng trố mắt ngạc nhiên: "Điên, không sợ lây à", Hải cười, "biết bảo vệ nhau sao mà lây được, mà chả may có lây thì anh lại uống thuốc giống em chứ có làm sao". Có cảm tình, cũng biết anh chân thành nhưng sợ lây bệnh cho Hải, cô không nhận lời.
Sau chuyến công tác, Hằng về Vĩnh Phúc, vài ngày anh lại lên thăm, chăm sóc cô. Đến nỗi, vốn ít nói nhưng bà Chi phải bảo với con gái "thằng Hải nó hiền, lại thương mày quá!". Cảm nhận chân tình của anh, lại được tiếp thu kiến thức về dự phòng HIV nên Hằng nhận lời về sống với Hải.
Biết sức khỏe của bạn gái yếu, hàng ngày, Hải lo chu toàn hết mọi việc nhà để cô có thời gian hoạt động cộng đồng. Anh cũng tìm hiểu kiến thức về HIV để trong sinh hoạt, cả hai cùng cảm thấy thoải mái, yên tâm. Ngày nào anh cũng nhắc vợ uống thuốc đều đặn, nếu hôm nào Hải quên, vợ anh cũng không nhớ uống.
Thỉnh thoảng, Hằng lại nhắc lại câu hỏi cũ 'anh không sợ lây à', Hải ôm lấy cô: "Sống chung với nhau mà cứ phải lo lắng, rón rén suốt ngày thì thà đừng cho xong".
Cách quan tâm, gần gũi của bạn trai khiến Hằng tự tin, vui vẻ, hoạt bát hơn. Từ một người tham gia dự án thụ động, cô muốn được đóng góp nhiều hơn. Vốn có khiếu ăn nói, lại nhanh nhẹn, nhiệt tình, chỉ sau vài tháng hoạt động, Hằng được cử làm trưởng nhóm dự án Quỹ toàn cầu phòng chống HIV/AIDS tại Vĩnh Phúc.
Giữa lúc bạn gái bỡ ngỡ, chưa biết chọn thế nào thì Hải khuyên: "Giờ không bắt đầu lại thì biết đến khi nào nữa. Em có năng lực mới được chọn nên cứ tự tin lên. Anh sẽ bỏ việc ở Hà Nội lên Vĩnh Phúc tham gia dự án cùng em".
Vậy là họ đặt trụ sở ngay tại căn nhà bỏ không ở Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc), nơi trước đây hàng chục lần Hằng cai nghiện không thành. Tài sản duy nhất họ có là bộ máy tính cũ của Hải đem từ Hà Nội lên.
Bảy năm cách ly với xã hội, Hằng gần như mù công nghệ, phải nhờ Hải hướng dẫn từ đầu. Anh vui vì bạn gái nắm bắt nhanh và làm cái gì cũng kiên trì cho bằng được. "Giờ khối thứ anh ấy không sành bằng tôi", Hằng vui chia sẻ.
Vừa hoạt động cho dự án Quỹ phòng chống HIV/AIDS, năm 2011, Hằng và chồng thành lập CLB Nắng cuối trời để tuyên truyền về tác hại của ma túy, HIV và động viên bạn bè cai nghiện. Cô cũng thường xuyên tham gia các buổi nói chuyện để giúp cộng đồng hiểu và cảm thông hơn với người có HIV.
Hải kể, có lần, vợ anh đi khám da liễu tại một bệnh viện nhưng vì nhiễm HIV nên bị từ chối. Hai tuần sau đó, chính bệnh viện này lại tổ chức hội thảo tuyên truyền không kỳ thị người nhiễm HIV và mời CLB Nắng cuối trời tham dự. Được mời phát biểu, trước hội trường, Hằng thẳng thắn kể việc bị từ chối khám bệnh. Cô nói: "Nhân viên y tế còn như vậy, thì làm sao tuyên truyền xã hội không kỳ thị chúng tôi".
Năm 2017, CLB Nắng cuối trời đạt giải nhì nhóm có nhiều thành tích trong hoạt động dự án của Quỹ toàn cầu phòng chống HIV/AIDS. CLB cũng được tặng giấy khen vì vận động được nhiều người nghiện tự nguyện xét nghiệm HIV nhất. Hằng nhiều lần được chọn đến các nước trong khu vực Đông Nam Á để chia sẻ kinh nghiệm chiến thắng ma túy, sống lành mạnh.
Đời tư, sau ba năm sống chung, họ làm đám cưới, sinh một cậu con trai khỏe mạnh, kháu khỉnh.
Hai năm nay, vợ chồng Phan Hải đưa con về Hà Nội nhờ mẹ anh chăm sóc để bé đi học. Có nhiều thời gian rảnh hơn nên họ lấy quần áo bán online.
"Hằng thay đổi nhiều lắm, nhưng vẫn nóng tính, lì lợm, may thằng Hải hiền lành, tốt tính nên vợ chồng nó sống êm ấm. Thấy con cái biết bảo ban nhau làm ăn tôi cũng mừng", bà Chi, mẹ Hằng nói.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hằng, trưởng phòng Kế hoạch - Nghiệp vụ, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, từ khi thành lập, CLB Nắng cuối trời của Thúy Hằng đã đóng góp tích cực phòng chống HIV/AIDS tại địa phương.
"Hằng sôi nổi, còn Hải lại điềm tĩnh và khiêm nhường nên cả trong công việc và cuộc sống, họ đều bổ sung được cho nhau. Điều đáng quý là sau vấp ngã, vợ chồng họ không chỉ xây dựng được tổ ấm cho mình, mà còn giúp đỡ được những người đồng cảnh", bà Thanh Hằng nói.
Nhật Minh