Mười hai tuổi, tôi bỗng đem lòng yêu văn. Tôi ước mơ trở thành nhà văn. Với tôi, được đăng một bài thơ, một truyện ngắn, một tạp bút… hay đại loại là một bài viết nào đó liên quan đến văn chương, đến cảm xúc, trên báo, vậy là thành nhà văn rồi. Chữ nhà văn với tôi đơn giản như thế. Và tôi tập tành viết, ban đầu là những mẫu chuyện đơn giản như truyện cười, một đoạn văn ngắn theo kiểu nghĩ gì viết nấy…
Hồi cấp hai, không tiếp cận máy tính và Internet, tôi không biết mail là gì, mọi bài viết đều gửi qua đường bưu điện và tôi ngóng chờ bằng cách tuần nào cũng lượn lờ ở thư viện trường, lật tới lật lui tờ báo mình gửi bài, để mong một lần hét toáng lên “được đăng rồi”. Nhưng mọi thứ bặt vô âm tín, tôi cố trấn an mình rằng có thể bài mình gửi đi bị thất lạc, rằng có thể mình gửi tới chậm so với người khác nên chưa được đăng. Tôi tiếp tục chờ đợi trong hy vọng và cuối cùng cũng dũng cảm thừa nhận với chính mình rằng tôi viết chưa hay.
Dĩ nhiên là tôi buồn, nhưng nỗi buồn chóng qua đi và tôi tiếp tục gửi bài. Và tôi lại hy vọng, thất vọng, buồn, rồi gửi bài. Rất lâu, tôi không nhớ mình thất bại bao nhiêu lần, tôi không sinh ra trong gia đình nghệ thuật, từ nhỏ lại giỏi toán, yêu văn chương một cách bất thường, nên thất bại là điều không thể tránh, tôi động viên mình như thế. Và tôi tiếp tục gửi bài, dĩ nhiên là trước khi gửi bài đi, tôi đã chịu khó quan sát, lắng nghe cuộc sống, cố gắng trau chuốt từ cho hay, câu văn cho mạch lạc. Nhưng chỉ khác một điều, tôi không mong ngóng nữa, vì tôi nghĩ mình cần biết kiên nhẫn dắt xe đạp trước khi tập đi và xa hơn nữa là ngồi lên điều khiển nó thành thạo.
Nhưng điều bất ngờ đã tới vào lúc tôi thờ ơ nhất. Tôi được đăng bài trên một tờ báo tỉnh. Hạnh phúc vỡ òa trong tôi, nhưng không vỡ òa tới mức tôi phải hét lên giữa sân trường cấp ba khi nhận tờ báo biếu từ tay một người thầy. Tôi nghĩ và tin chắc chắn có một mớ nhân tài giấu mặt trong ngôi trường cấp ba tôi học, so với họ, tôi chỉ là một tên “tép riu”. Tôi giữ niềm vui đó cho riêng mình, làm động lực tiếp tục phấn đấu. Dĩ nhiên là sau bài báo đó, tôi nhận nhuận bút với số tiền khá lớn. Tôi khao tụi bạn trong xóm một bữa ra trò.
Đó là lần đăng báo duy nhất của tôi. Quá lâu rồi và hiện tại tôi đã là sinh viên năm cuối một trường đại học kỹ thuật. Môi trường đại học giúp tôi tiếp cận nhiều hơn với văn chương, biết nhiều bạn trẻ yêu văn, thành công trên lĩnh vực này. Điều đó không làm tôi ghen tỵ, mà khiến máu văn sôi sục trong tôi nhiều hơn. Tôi đã dám thử thách mình viết truyện ngắn vào những lúc bài vở trên lớp đã xong. Mỗi khi viết xong một truyện, tôi lại gửi mail cho cô bạn thân hồi cấp ba, để cả hai cũng nghiền ngẫm, đưa ra cái hay và cái dở, từ đó rút kinh nghiệm cho truyện ngắn sau. Nhưng có một dạo cô bạn đó im lặng không nói chuyện văn chương với tôi nữa, tôi hỏi, cô ấy bảo rằng cô bỏ cuộc rồi, văn chương làm cô “khổ” quá. Cô bạn đã khiến tôi nghĩ suy rất nhiều.
Qủa là văn chương làm tôi “khổ” thật. Thay vì thời gian rảnh chơi game, ngủ, đi quán bar… như tụi bạn, tôi ngồi hàng giờ đến đau mông trước màn hình máy tính, kết quả thu được vẫn một màu trắng lóa. Thậm chí tôi mất tới cả tháng mới viết xong một truyện ngắn, đầu óc lúc nào cũng nghĩ và nghĩ, mà tên của tôi vẫn chưa chịu xuất hiện lần thứ hai trên mặt báo. Thú thật đã có lúc, tôi nghĩ tại sao mình phải “ khổ” như thế, nhưng rồi cái ý nghĩ kia nhanh chóng tan biến khi tôi đọc một đoạn văn, một truyện ngắn, một cuốn sách hay… Và tôi lại ngồi hàng giờ trước máy tính, tôi tiếp tục viết và sẽ viết đến khi nào thành công. Chắc chắn một ngày nào đó tôi sẽ dấn thân viết truyện dài và mơ về một cuốn sách đầu tiên được xuất bản… Vậy là tôi đã hạnh phúc lắm rồi!
Cuộc thi viết "Sống với đam mê" do Báo điện tử VnExpress phối hợp cùng Công ty TNHH Sapporo Việt Nam tổ chức từ ngày 12/8 đến ngày 23/9. Cuộc thi dành cho mọi công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên. Độc giả gửi bài dự thi tại đây. |
Huỳnh Thanh Thiện