Tới Pakse, đô thị của miền Hạ Lào, người ta luôn giới thiệu với chúng tôi "hoàng cung vua Nam Lào". Đó là cung điện Champa Palace - ngôi nhà ngàn cửa, cung điện cao năm tầng có từ thời Pháp. Người ta kể một người hầu chỉ làm công việc mở các cửa sổ của cung điện này cũng mất tới bốn ngày vẫn chưa xong.
Và trong một đêm ở Pakse, chúng tôi được nghe câu chuyện về hoàng thân Souphanouvong thấm đẫm tình hữu nghị Việt - Lào.
Hoàng thân Souphanouvong vốn là con một vị phó vương thuộc dòng họ lẫy lừng ở Luang Phrabang của vương quốc Lào xưa kia. Ông học ở Vientiane, rồi sau đó sang học trường Tây ở Hà Nội và đến Pháp học ngành cầu đường.
Cuối năm 1939, nhà quí tộc này trở thành kỹ sư phụ trách lục lộ ở Nam Đông Dương và kết hôn với một phụ nữ thuộc dòng dõi hoàng tộc Huế - bà Kỳ Nam.
Năm 1945, sau khi cách mạng thành công, Bác Hồ cho xe mời ông về Hà Nội để mạn đàm việc nước. Sau đó hoàng thân trở về Lào. Ngày 21/3/1946, Pháp mở một trận càn lớn, dùng máy bay tấn công Thà Khẹt.
Hoàng thân Souphanouvong lúc ấy là chỉ huy trưởng liên quân Lào - Việt, đồng thời là chỉ huy trưởng mặt trận Thà Khẹt phải rời khỏi Lào, vượt sông Mekong sang vùng Nakhon Phanom của Thái Lan.
Tàu chở hoàng thân sắp cập bến thì bất ngờ một loạt đạn xả xuống, một người lính Việt nhanh chân lao vào che chở cho hoàng thân và hứng trọn loạt đạn.
Người lính đó là trí thức trẻ Lê Thiệu Huy, người được Bác Hồ cử tháp tùng để bảo vệ hoàng thân. Ông là con trai của nhà Hán học Lê Thước, đang học cử nhân toán tại Paris song tình nguyện về VN giúp nước. Câu chuyện đã đi qua hơn nửa thế kỷ, nhưng với những người Lào lớn tuổi, ai cũng nhớ như in về sự hi sinh của những người VN cứu mạng vị hoàng thân của họ.
Năm 1950, khi nhận chức thủ tướng chính phủ kháng chiến Itxala, hoàng thân Souphanouvong đã ký một nghị định chọn ngày 21-3 làm "Ngày căm thù thực dân đế quốc" của nước Lào. Sau đó ông sang VN tìm kiếm gia đình của liệt sĩ Lê Thiệu Huy để tạ ơn cứu mạng.
Những dấu ấn tình nghĩa
Những người bạn Lào giới thiệu với chúng tôi bên kia dòng sông Sedone là một hòn đảo có tên là đảo 30. Ở đó có khách sạn Champa Xaise với phòng khánh tiết có sức chứa trên 1.000 người, lớn nhất vùng Champasak.
Chủ nhân của khách sạn là một người VN, anh Phạm Văn Lưu, 45 tuổi, dòng họ anh đã bốn đời sống trên đảo 30 này nhưng vẫn giữ quốc tịch Việt.
Buổi tối, chị An Tuệ Minh nghe tin đoàn caravan chúng tôi sang đã cùng mười Việt kiều khác chờ chúng tôi ngay tại sảnh khách sạn Champa Xaise
Chị Minh cho biết hơn 5.000 Việt kiều ở Champasak vừa qua đã gom góp xây cho được một ngôi trường dạy tiếng Việt mang tên Hữu Nghị ở bản Xàphanxai.
Sau bao nhiêu thế hệ người Việt tha hương xứ người, đây là lần đầu tiên có một ngôi trường dạy tiếng Việt cho trẻ em học tiếng Việt.
Khi biết trường còn thiếu cổng và bờ tường, anh Trần Xuân Hùng - trưởng đoàn caravan - đã đề nghị các thành viên trong đoàn quyên góp làm cổng cho Trường Hữu Nghị. Từng người, từng người bước lên, người 100 USD, người 50 USD...
Cả phòng ăn khách sạn như vỡ òa trong hạnh phúc khi cả đoàn caravan quyên góp được 2.500 USD để xây cổng trường. Một dấu ấn tình nghĩa của chuyến đi.
Đêm Pakse sau 10 giờ vắng vẻ. Những quán cà phê hai bên đường mở tivi cho khách xem truyền hình trực tiếp World Cup với tiếng Việt của đài VTV. Mấy xóm người Việt sinh sống ở đây có những cái tên nghe qua đã thấy thương nhớ quê nhà: xóm Đá, xóm Bạn Thung, xóm Tân An, xóm Nhà Đèn, xóm Sân Bay...
Những năm gần đây, bà con đã bàn bạc giúp nhau vươn lên trong cuộc sống, nhiều gia đình đã "bước ra mặt tiền đường" và cạnh tranh cùng người Hoa trong việc buôn bán.
Bà Lê Thị Lượng, từ một người buôn thúng bán mẹt ở lề đường nay đã trở thành bà chủ công ty Đào Hương nổi tiếng ở xứ Lào. Hôm rồi bà Lượng nghe tin bão số 1 gây đau thương ở miền Trung đã huy động mấy chục xe tải chở hàng về tham gia cứu trợ.
Chúng tôi đến ăn sáng ở quán phở LanKham nổi tiếng ở Pakse, chủ nhân là chị Nguyễn Thị Lan - người VN. Chị kể rằng mình cũng đi lên từ buôn gánh bán bưng, cuộc sống tạm ổn định khi cha chị mở một quán phở VN.
Quán có khách hàng đông lên thì chiến tranh xảy ra, phải bỏ nghề giữa chừng cho tới khi người con gái ba mươi tuổi quyết tâm gầy dựng lại quán phở của cha mình.
Từ đó đến nay đã 27 năm, chị đã có thể an lòng với “gia tài” là sáu người con đi học khắp nơi: Mỹ, Pháp, Thái, Trung Quốc, chỉ có một người con gái lớn theo nghề bán phở với chị.
Quán phở của chị lúc nào cũng đông khách, khách xếp hàng ngang dọc. "Tôi biết có người trong nước qua từ hôm qua rồi, nhưng lu bu quá chưa sang thăm được, bây giờ được gặp rồi, mừng muốn khóc" - chị Lan nói.
(Tuổi Trẻ)