Tôi là tác giả bài "Để dành hơn 4.200 USD mỗi tháng vẫn mong tiết kiệm hơn". Cảm ơn các bạn đã chia sẻ nhiều ý kiến giúp tôi dành dụm được nhiều tiền hơn.
Giờ tôi có thêm một vấn đề xin chia sẻ. Tôi định chỉ làm đến năm 50 tuổi, khoảng 12 năm nữa, rồi sẽ nghỉ hưu. Công việc hiện tại tạm coi là tốt, không quá nhiều áp lực và vất vả, nhưng tôi bắt đầu thấy nhàm chán và gò bó. Nếu nghỉ hưu, tôi sẽ dành nhiều thời gian làm những gì mình ưa thích.
Vấn đề là tôi phải tính dành được đủ tiền sinh hoạt sau khi nghỉ hưu. Tôi không có lương hưu mà chỉ hoàn toàn phụ thuộc vào tiền tiết kiệm.
Đến nay, toàn bộ tài sản của tôi có khoảng 300.000 USD (7,85 tỷ đồng). Trong đó có 150.000 USD trong tài khoản, một căn hộ nhỏ ở Việt Nam có từ nhiều năm trước, giá trị khoảng 100.000 USD, và 50.000 USD giá trị các tài sản khác, gồm cả ôtô.
Với mức tiết kiệm như hiện nay, một năm, tôi dành dụm được khoảng 50.000 USD (lương tăng hàng năm 5% nhưng coi như không tính). Trong 12 năm tới, tôi sẽ có thêm 600.000 USD (nếu không có gì thay đổi).
Tổng tài sản của tôi khi đó sẽ là khoảng 900.000 USD (20 tỷ đồng). Tôi dự tính sẽ mua một căn nhà khoảng 300.000 USD. Số tiền còn lại để chi tiêu đủ cho 41 năm, dự tính mỗi tháng hết 1.200 USD.
Sau nghỉ hưu, tôi có thể làm những gì mình muốn, có thêm thu nhập và có tiền gửi tiết kiệm.
Hiện tôi cũng tính sau khi về hưu nên sống ở đâu: Việt Nam (Hà Nội, TP HCM hay Đà Nẵng) hay ở một thành phố Đông Nam Á khác (Bangkok, Kuala Lumpur...). Ở Việt Nam, chi phí sinh hoạt rẻ hơn nhưng điều kiện sống về môi trường, an ninh... có lẽ cần tính đến. Còn ở các nước Đông Nam Á khác thì môi trường có thể tốt hơn nhưng chí phí sinh hoạt cao hơn.
Xin chia sẻ và cảm ơn hồi đáp của các bạn.
Nam
Chia sẻ kinh nghiệm chi tiêu, tiết kiệm của bạn tại đây hoặc về giadinh@vnexpress.net.