Tư lệnh không quân Ukraine Mykola Oleshchuk ngày 18/8 thông báo lực lượng nước này đã phá hủy một cây cầu ở tỉnh Kursk của Nga. "Máy bay của không quân tiếp tục tước đi năng lực hậu cần của đối phương bằng các cuộc không kích chính xác, qua đó khiến hoạt động chiến đấu của họ bị ảnh hưởng đáng kể", ông Oleshchuk nhấn mạnh.
Video do quan chức này đăng kèm cho thấy một cây cầu bắc qua sông bị tập kích, tạo ra vụ nổ và một lỗ thủng lớn trên mặt cầu. Giới chức Ukraine không đề cập vị trí của công trình này, song các kênh Telegram Nga cho biết nó nằm ở khu vực làng Zvannoe, bắc qua sông Seim tại tỉnh Kursk.
Đây là cây cầu thứ hai bị Ukraine tập kích tại vùng này chỉ trong hai ngày qua. Alexey Smirnov, quyền tỉnh trưởng Kursk, ngày 16/8 cho biết một cây cầu đường bộ bắc qua sông Seim gần thị trấn Glushkovo đã bị quân đội Ukraine phá hủy. Video do tư lệnh Oleshchuk đăng sau đó cho thấy công trình này đã gãy làm đôi sau khi trúng đòn đánh.
Hai đòn tập kích đã khiến thị trấn Glushkovo và làng Zvannoe, cách biên giới Ukraine hơn 10 km, bị cô lập với phần còn lại của nước Nga và sông Seim trở thành chướng ngại vật tự nhiên ngăn lực lượng Nga tại đây rút lui, cũng như các đơn vị tiếp viện gặp nhiều khó khăn khi vượt sông.
Theo Mash, kênh Telegram Nga có gần ba triệu người theo dõi, các cuộc tập kích liên tiếp khiến khu vực này chỉ còn duy nhất một cây cầu nguyên vẹn. Điều này sẽ khiến nỗ lực chi viện lực lượng và sơ tán dân thường của Nga trở nên khó khăn hơn, theo AP.
Quan chức Nga hôm nay nói rằng Ukraine đã tập kích cây cầu thứ ba, nhưng Kiev chưa xác nhận.
Các blogger ủng hộ Điện Kremlin trước đó cũng nhận định việc cầu bị phá hủy sẽ gây ảnh hưởng tới hoạt động cung cấp vật tư cho lực lượng Nga ở tỉnh Kursk, dù Moskva vẫn có thể sử dụng cầu phao hoặc các cây cầu nhỏ hơn để vận chuyển đồ tiếp tế. Ảnh vệ tinh cũng cho thấy lực lượng Nga đã xây dựng một cây cầu tạm gần đó.
"Việc tập kích các cây cầu rõ ràng là nhằm ngăn chặn nỗ lực phản công của Nga ở tỉnh Kursk, cho thấy Ukraine có ý định thiết lập chỗ đứng ở vùng này, hay ít nhất là muốn đánh tín hiệu cho Moskva rằng họ có kế hoạch như vậy", AP nhận định.
Khi các cây cầu bị phá hủy, lực lượng Ukraine đang giao tranh ở phía đông thị trấn Glushkovo cũng không thể vượt sông Seim để tiếp tục đánh lên phía bắc. Giới chuyên gia nhận định điều này đồng nghĩa Ukraine sẽ dồn lực tập trung vào việc củng cố kiểm soát tại các khu vực đã chiếm giữ để thiết lập một vùng đệm, thay vì tiếp tục tìm cách giành thêm lãnh thổ của đối phương.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenksy ngày 18/8 cũng nêu rõ mục tiêu của nước này khi mở chiến dịch tại tỉnh Kursk là nhằm thiết lập "vùng đệm" trên lãnh thổ Nga.
Giới chuyên gia nhận định việc Ukraine tìm cách tiến sâu hơn vào bên trong lãnh thổ Nga là động thái mạo hiểm, do Kiev có nguồn lực hạn chế. Các tuyến tiếp tế khi kéo dài sâu hơn vào tỉnh Kursk cũng sẽ trở nên dễ bị tổn thương, khiến lực lượng Ukraine bên trong đối mặt nguy cơ mất nguồn cung về hậu cần và bị cô lập.
Việc tận dụng sông Seim làm chướng ngại vật tự nhiên để tạo một vùng đệm ở tỉnh Kursk cho thấy Ukraine có khả năng nắm thế chủ động, giúp nâng cao tinh thần của binh sĩ sau nhiều tháng thất thế ở mặt trận phía đông.
Cuộc tấn công mới nhất tại tỉnh Kursk có nét tương đồng với chiến dịch phản công chớp nhoáng của Ukraine hồi tháng 9/2022, trong đó lực lượng nước này tái kiểm soát thành công tỉnh đông bắc Kharkov nhờ tận dụng tình trạng thiếu nhân lực và công sự của Nga tại khu vực.
Kiev đã tuyên bố kiểm soát 82 khu dân cư và 1.150 km2 lãnh thổ tại tỉnh Kursk sau gần hai tuần phát động tấn công.
Nga gọi chiến dịch của Ukraine là "hành động khiêu khích lớn" và tuyên bố sẽ "đáp trả thích đáng". Bộ Quốc phòng Nga ngày 18/8 nói rằng Ukraine đã mất tổng cộng hơn 3.460 quân nhân, 50 xe tăng, 25 xe chiến đấu bộ binh, 45 thiết giáp chở quân cùng nhiều phương tiện, vũ khí khác từ đầu chiến dịch tại tỉnh Kursk.
Phạm Giang (Theo AP, RIA Novosti)