Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht ngày 20/11 đề xuất hỗ trợ Ba Lan, một thành viên NATO có chung biên giới với Ukraine, bảo vệ không phận bằng cách "triển khai tiêm kích Typhoon và hệ thống tên lửa phòng không Patriot". Đề nghị được đưa ra sau vụ tên lửa rơi vào ngôi làng của Ba Lan gần biên giới với Ukraine ngày 15/11 khiến hai người thiệt mạng.
Giới chức Ba Lan ban đầu tỏ ra hào hứng với phương án này. "Tôi hài lòng với đề xuất của người đồng cấp Đức về triển khai thêm tên lửa Patriot đến Ba Lan. Tôi sẽ đề nghị bố trí hệ thống này ở khu vực biên giới giáp Ukraine", Bộ trưởng Quốc phòng Mariusz Blaszczak nói.
Tuy nhiên, Ba Lan thay đổi thái độ sau đó hai ngày, với tuyên bố của Jaroslaw Kaczynski, chủ tịch đảng Luật pháp và Công lý (PiS) cầm quyền. "An ninh Ba Lan sẽ tốt hơn nếu Đức chuyển giao thiết bị cho Ukraine", ông Kaczynski nói.
Vài giờ sau, Bộ trưởng Quốc phòng Blaszczak cũng đảo ngược quan điểm khi cho biết ông đã "yêu cầu Đức chuyển các khẩu đội Patriot, vốn dự kiến đến Ba Lan, sang Ukraine và triển khai chúng ở biên giới phía tây".
Đề xuất của Ba Lan dường như khiến Đức bất ngờ. Bộ trưởng Quốc phòng Đức ngày 24/11 tuyên bố tên lửa Patriot là một thành phần trong hệ thống phòng không tích hợp của NATO. "Điều đó nghĩa là chúng chỉ được bố trí trên lãnh thổ quốc gia trong liên minh", bà nói.
Đại sứ Đức tại Ba Lan Thomas Bagger cho hay các khẩu đội Patriot được vận hành bởi binh sĩ Đức, nên việc triển khai chúng đến Ukraine sẽ khiến quân nhân NATO gặp nguy cơ bị Nga tập kích. "Các khẩu đội có thể nhanh chóng hiện diện ở biên giới phía đông Ba Lan, cũng là sườn đông NATO, chỉ trong vài ngày đến vài tuần. Nhưng điều chúng đến lãnh thổ Ukraine là vấn đề hoàn toàn khác", ông nói.
Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev ngày 30/11 cảnh báo các hệ thống Patriot và kíp vận hành NATO là "mục tiêu hợp pháp" nếu xuất hiện tại Ukraine.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg bày tỏ hoan nghênh đề xuất của Đức, nhưng nhấn mạnh bố trí tên lửa Patriot ở đâu "vẫn là quyết định riêng của từng quốc gia".
Kaczynski, chủ tịch đảng PiS của Ba Lan, phản ứng bằng cách bày tỏ hoài nghi về mức độ tin cậy của Đức với vai trò là đồng minh trong NATO. "Thái độ của Đức đến nay khiến chúng tôi không có lý do để tin rằng họ sẵn sàng đánh chặn tên lửa Nga. Đặt tên lửa Patriot ở Ba Lan là động thái mang tính hình thức, không có tầm quan trọng về quân sự hay chính trị", ông Kaczynski nói.
Nhưng tướng về hưu Stanislaw Koziej, cựu cục trưởng Cục An ninh Quốc gia Ba Lan, không đồng tình với quan điểm này. "Rõ ràng không phận Ba Lan sẽ càng an toàn nếu có nhiều hệ thống phòng không. Chúng ta có các tổ hợp phòng không, nhưng năng lực phòng thủ tên lửa vẫn chưa đạt yêu cầu", tướng Koziej cho hay.
Anna Siewierska-Chmaj, nhà khoa học chính trị tại Đại học Rzeszow ở Ba Lan, cho rằng đảng PiS cầm quyền và chủ tịch Kaczynski dường như không quan tâm nhiều đến lưới phòng không, mà chỉ đang tìm cách thu hút sự ủng hộ từ cử tri trong nước bằng cách hướng mũi dùi chỉ trích vào Đức.
Warsaw gần đây liên tục có những động thái cứng rắn đối với Berlin. Ngoại trưởng Ba Lan Zbigniew Rau hôm 3/10 ký công hàm gửi Đức, yêu cầu bồi thường 1.300 tỷ USD vì những thiệt hại do Đức Quốc xã gây ra trong Thế chiến II.
Chính phủ Ba Lan thậm chí còn cáo buộc Đức "cấu kết" với các phe phái đối lập trong nước, trong đó có cựu thủ tướng Donald Tusk.
"Mục tiêu thật sự của ông Donald Tusk là khiến Ba Lan phụ thuộc hoàn toàn vào Đức, phải tuân theo những quyết định và mệnh lệnh của họ", cựu bộ trưởng quốc phòng Ba Lan Antoni Macierewicz, thành viên đảng PiS, nói.
Theo chuyên gia Siewierska-Chmaj, PiS biết rằng những tuyên bố cứng rắn với Đức liên quan đến đề xuất chuyển tên lửa Patriot cho Ukraine hợp lòng với các cử tri cốt lõi của họ. "Chỉ trích Đức có thể không thu hút thêm cử tri mới, nhưng sẽ giữ chân được những người đã gắn bó với họ", Siewierska-Chmaj nói.
Khảo sát được trung tâm thăm dò CBOS do chính phủ Ba Lan điều hành tiến hành hồi tháng 10 cho thấy 31% người dân được hỏi cảm thấy quan hệ giữa nước này với Đức đang trong trạng thái "tồi tệ".
Sau một tuần tranh luận với Đức và NATO, Ba Lan vẫn chưa làm rõ lập trường của mình về chuyển giao tên lửa Patriot.
"Nếu đợt triển khai tên lửa Patriot tới Ukraine không thể diễn ra vì lý do chính trị, như vấp phải sự phản đối của Đức, Ba Lan cũng không nên từ bỏ hoàn toàn tổ hợp tên lửa này", Pawel Szrot, Chánh văn phòng của Tổng thống Ba Lan Andrezej Duda, nói hôm 29/11.
Nhưng Bộ trưởng Blaszczak sau đó nói rằng ông vẫn kêu gọi người đồng cấp Đức phê chuẩn phương án chuyển tên lửa Patriot đến Ukraine.
Bất chấp những chỉ trích từ Ba Lan, giới chức Đức nói rằng tổ hợp Patriot vẫn sẵn sàng được triển khai đến nước này. "Chúng tôi chưa loại bỏ đề xuất giúp chính phủ Ba Lan bảo vệ lãnh thổ của họ", Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói trong cuộc họp báo ở Berlin hôm 30/11.
Vũ Anh (Theo Politico)