Các nhà khoa học nghiên cứu nhóm 45 con tinh tinh trong Công viên Quốc gia Loango ở Gabon, bờ biển phía tây châu Phi, từ năm 2005. Trong giai đoạn tháng 11/2019 - 2/2021, họ quan sát 22 con có 76 vết thương hở.
Trong 19 trường hợp, họ phát hiện tinh tinh thực hiện hành vi giống như tự điều trị vết thương với "thuốc" là côn trùng. Một số thậm chí còn dùng cách này để chữa thương cho con khác. Nghiên cứu mới công bố trên tạp chí Current Biology hôm 7/2.
Đầu tiên, tinh tinh sẽ bắt một con côn trùng biết bay rồi khiến nó bất động bằng cách ép vào giữa môi. Chúng đặt côn trùng lên vết thương, di chuyển nó bằng các đầu ngón tay. Cuối cùng, tinh tinh dùng miệng hoặc ngón tay để lấy nó ra. Chúng thường đặt côn trùng vào vết thương rồi lại lấy ra nhiều lần.
Nhóm nghiên cứu không rõ tinh tinh đã sử dụng côn trùng gì và cụ thể phương pháp này giúp chữa lành vết thương như thế nào. Họ mới chỉ xác định được chúng thường dùng côn trùng biết bay nhỏ, màu sẫm. Không có bằng chứng nào cho thấy tinh tinh ăn côn trùng. Chúng chỉ dùng môi ép con vật rồi cho lên vết thương.
Một cách giải thích cho hành vi này là vài thành phần của côn trùng có thể mang tính chống viêm, sát trùng, hoặc đây chỉ là một phần trong "văn hóa địa phương" của tinh tinh, giống như một số quan niệm chữa bệnh của con người.
Các nhà khoa học từng ghi nhận việc tự chữa trị ở động vật, ví dụ chó và mèo ăn thực vật để giúp nôn, gấu và hươu ăn cây thuốc, đười ươi dùng vật liệu thực vật để làm dịu chấn thương cơ. Nhưng họ chưa từng thấy động vật có vú khác ngoài con người sử dụng côn trùng cho mục đích chữa bệnh.
Nhóm nghiên cứu thậm chí thấy tinh tinh sử dụng kỹ thuật này với đồng loại. Ví dụ, tinh tinh cái trưởng thành Carol bắt côn trùng, đưa cho tinh tinh đực trưởng thành Littlegrey. Littlegrey ngậm côn trùng giữa môi rồi đặt vào vết thương. Sau đó, hai con tinh tinh khác cũng giúp nó ngậm côn trùng, đặt lên và di chuyển nó trên vết thương.
Có một số động vật hợp tác với những con khác theo cách tương tự, theo tác giả nghiên cứu Simone Pika, người đứng đầu phòng thí nghiệm nhận thức động vật tại Đại học Osnabruck, Đức. "Tuy nhiên, chúng tôi chưa từng biết đến trường hợp nào khác ở động vật có vú. Đây có thể là một hành vi được học hỏi và chỉ tồn tại trong nhóm này", Pika cho biết.
Trong một số hành vi xã hội của họ Người, việc hợp tác có sự trao đổi về lợi ích. Ví dụ, việc chải lông hộ giúp loại bỏ ký sinh trùng cho con tinh tinh khác, đồng thời mang lại bữa ăn côn trùng cho chính nó.
Nhưng trong những trường hợp dùng côn trùng chữa bệnh cho đồng loại mà Pika quan sát, tinh tinh không nhận lại được gì rõ ràng. Theo bà, điều này cho thấy chúng đang tham gia vào một hành động làm tăng "lợi ích của một sinh vật khác" và giúp giới khoa học hiểu thêm về các mối quan hệ xã hội của tinh tinh.
Thu Thảo (Theo New York Times)