Tại Nghị quyết ngày 20/7, Chính phủ nêu rõ căn cứ tình hình, diễn biến dịch trên địa bàn, các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội chủ động, sáng tạo, linh hoạt áp dụng các biện pháp phù hợp và có thể áp dụng các biện pháp với yêu cầu cao hơn, chặt chẽ hơn quy định tại Chỉ thị 16; nhất là kiểm tra, giám sát chặt chẽ giãn cách giữa người với người, giữa gia đình với gia đình, tổ dân phố với tổ dân phố...
"Hạn chế nhiều hơn nữa, chặt chẽ hơn nữa sự giao lưu, gặp gỡ giữa người với người", Nghị quyết nêu.

Cầu Rạch Miễu (bờ Tiền Giang) vắng bóng xe trưa 19/7 khi lệnh giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 có hiệu lực. Ảnh: Hoàng Nam.
Chính phủ khẳng định sẽ ưu tiên nguồn lực cao nhất cho chống dịch tại TP HCM và các tỉnh phía Nam. Đồng thời, "tăng cường các lực lượng chuyên môn, chuyên gia, kể cả chuyên gia độc lập bảo đảm đánh giá, nắm chắc và dự báo đúng tình hình, nguy cơ diễn biến dịch bệnh để có biện pháp ngăn chặn, kiểm soát phù hợp, khả thi, hiệu quả".
Các bộ, ngành, địa phương thống nhất việc kiểm soát người, hàng hóa, phương tiện đi lại giữa các nơi, đảm bảo thông suốt. Đặc biệt, Chính phủ yêu cầu địa phương "không tự ý đặt ra giấy phép con, làm ách tắc, cản trở lưu thông hàng hóa và người thi hành công vụ".
Trong đợt bùng phát dịch bệnh thứ tư, từ cuối tháng 4/2021 đến nay, Việt Nam ghi nhận tổng cộng 61.889 ca nhiễm Covid-19 cộng đồng, tại 60 tỉnh, thành. Số ca nhiễm những ngày gần đây chủ yếu tại TP HCM và các tỉnh phía Nam.
19 tỉnh, thành phía Nam đang áp dụng biện pháp giãn cách theo Chỉ thị 16, từ 0h ngày 19/7 (TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai đã thực hiện từ 9/7).