Hôm nay, Công an tỉnh Hải Dương cho biết khi cầm dao đoạt mạng bà cùng bố mẹ và chị họ vào chiều tối 2/8, Phạm Duy Quý (21 tuổi, xã Phượng Hoàng, huyện Thanh Hà) "như con thú hoang", gây án với bất kỳ ai gặp lúc đó. Và 4 người thân đã ngẫu nhiên thành nạn nhân của anh ta.
Thiếu tá Nguyễn Mạnh Hiện (Phó trưởng phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Hải Dương) đánh giá "đây là vụ án thảm khốc nhất từ trước tới nay tại địa phương". Nghi ngờ Quý tinh thần không bình thường, cơ quan điều tra đang tổ chức trưng cầu giám định tâm thần.
Đại úy Vũ Hữu Quyền (Đội phó Đội 3) cho hay: “Từ tối 2/8 đến giờ, tinh thần của Quý không ổn định, lúc tỉnh táo thì hoảng loạn sợ hãi, lúc lại ngơ ngơ. Chiều nay, nghi can bảo không muốn sống nữa".
Quý khai vì nghĩ mẹ không thương mình nên thường la mắng, hơn nữa cho rằng năm 3-4 tuổi từng bị bố mẹ đem bán cho người khác nên ủ mưu giết người từ lâu. Bà nội Nguyễn Thị Lan (82 tuổi) và người chị họ Phạm Thị Hằng (27 tuổi) cũng bị anh ta hận, nghĩ thường về phe với bố mẹ để la mắng.
Tuần trước, Quý đã mài nhọn đầu hai đoạn sắt bằng chiếc đũa để xuống tay với cha mẹ nhưng chưa có điều kiện thực hiện. Xác minh điều này, công an đã thu được hai đoạn sắt tại nơi anh ta chỉ đã cất giấu.
Về hôm gây án 2/8, Quý chơi điện tử đến quên ăn trưa tại quán ở thị trấn huyện Thanh Hà. 18h30 cùng ngày, Quý về nhà thì bị mẹ mắng. Xấu hổ với hàng xóm, Quý cầm dao gây án với 4 người thân có mặt ở 3 ngôi nhà liền kề nhau lúc đó. Theo lời khai của Quý thì lúc xảy ra vụ việc, tất cả nạn nhân đều không có khả năng phòng bị và chống đỡ.
"Chưa bao giờ tôi thấy một thi thể bị chém nát như với xác của bố Quý. Có lẽ Quý chém xong 4 người cũng chỉ tốn chừng hai phút. Với chiều cao 1,8m, cân nặng 80kg lại trong trạng thái kích động thì trong nhà không ai có thể cản được anh ta", thiếu tá Hiện nói.
Theo nhiều người hàng xóm từ khi học hết cấp hai, Quý đã có những biểu hiện không bình thường khi rất ít nói. Quý thi đậu vào một trường cao đẳng nghề ở Hà Nội song bỏ ngang về nhà.
Một y tá ở trạm xá xã Phượng Hoàng khi làm việc với cơ quan điều tra đã cho biết mẹ Quý nhiều lần mang thuốc ra gặp chị nhờ tư vấn cách dùng cho con trai. Qua đó, chị này hiểu đó là thuốc chữa trị về tâm thần phân liệt liều cao nhất và đã khuyên bà này đưa con đến trung tâm chuyên về thần kinh để khám.
Đại tá Cao Ngọc Lan (Phó giám đốc Công an tỉnh Hải Dương) nhận định, đây là một lời cảnh tỉnh đắt nhất cho những gia đình có người thân xuất hiện dấu hiệu tâm thần mà vẫn giấu diếm. Tại huyện Tứ Kỳ (Hải Dương), 3 tháng trước, ông Phạm Văn Hải (57 tuổi) đang đêm tỉnh dậy đã đâm chết ngay tại chỗ vợ và con trai vì cho rằng hai người này theo tà đạo, bị quỷ nhập vào thân. Qua điều tra, nhà chức trách nghi ông Hải có dấu hiệu thần kinh từ cuối năm 1999.
Luật sư Vũ Tiến Vinh (Giám đốc Công ty luật Bảo An, Hà Nội) cho biết: "Trường hợp một người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội nhưng bị nghi ngờ đang mắc bệnh tâm thần khi thực hiện hành vi đó thì cơ quan tiến hành tố tụng đang giải quyết vụ án phải trưng cầu giám định pháp y tâm thần. Kết quả giám định pháp y là một trong những căn cứ để xác định hành vi nguy hiểm có cấu thành tội phạm hay không". Theo quy định tại Điều 13 Bộ luật Hình sự, người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. Đối với người này, phải áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh. Trường hợp người phạm tội trong khi có năng lực trách nhiệm hình sự, nhưng đã lâm vào tình trạng quy định tại khoản 1 Điều này trước khi bị kết án, thì cũng được áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh. Sau khi khỏi bệnh, người đó có thể phải chịu trách nhiệm hình sự. |
Bảo Hà