Có ai đó nói cả thế giới nhắc đến Việt Nam là có phần hơi ảo tưởng. Toán học là một môn khoa học hẹp theo nghĩa rất ít người tham gia, mức độ thiết thực cũng như sự quan tâm của công chúng nói chung so với các môn khoa học khác. Trừ các báo đài Việt Nam (và trong trường hợp này là của Ấn Độ nữa vì giải thưởng được trao tại đó, nếu chúng ta theo dõi CNN hay BBC, sẽ thấy mấy cái đài này đáng trách vì không quan tâm đến sự kiện này để cả thế giới biết đến và ngưỡng mộ Việt Nam ta.
Ngược lại, nếu ai đó mà đoạt một giải Nobel về vật lý, kinh tế, hay thậm chí văn chương hay hoà bình xem, các đài này sẽ không bao giờ bỏ qua. Chú thích thêm luôn là Nobel không có giải cho môn toán. Tôi xin trích một trong những lý do toán không được trao Nobel: it was not considered a practical science from which humanity could benefit (a chief purpose for creating the Nobel Foundation). Dịch: Nó không phải là một môn khoa học thiết thực mà có thể đem lại lợi ích cho nhân loại (mà lợi ích cho nhân loại là mục đích chính của giải thưởng Nobel).
Không cần mời GS Châu về nước thì VN ta đã là một cường quốc toán học rồi. Mỗi người VN khi học hết lớp 12 không biết đã bỏ bao nhiêu là thời gian cho môn học này (nhờ bạn nào thống kê hộ). Tôi thường đùa mỗi người Việt Nam là một nhà toán học.
Tất nhiên, mọi đất nước luôn cần các nhà khoa học hàng đầu thuộc các bộ môn, nhưng ở nước mình, giá như từng ấy thời gian trong 12 năm học, chúng ta học những kỹ năng, kiến thức thiết thực hơn thì có thể đất nước sẽ khấm khá hơn, con người sống và cử xử sẽ nhân văn hơn hiện nay.
Cách đây 3 năm tôi có dự một hội thảo của những người Việt Nam và Mỹ từng tham gia chương trình Fulbright. Họ cũng đã nhắc đến "vấn nạn" toán này của nước mình. Có nhà khoa học của ta đã phát biểu là Do the right things quan trong hơn là Do the things right. Anh chia sẻ thêm với tôi là hồi nhỏ anh rất giỏi toán. Có hôm thức trắng để ra được một cách giải hay, hôm sau thấy sảng khoái tự hào. Nhưng bây giờ anh thấy cái thời gian ấy quá lãng phí vì nó không đi đến đâu và để làm gì.
Cũng tại hội thảo này, một doanh nhân Mỹ đã nói rằng anh đi học ở Mỹ rất kém toán (mà học sinh Mỹ kém toán nói chung đã là ở mức nổi tiếng rồi). Sau khi đi học đại học và thạc sỹ bao nhiêu năm không đả động gì đến toán học. Bây giờ anh làm kinh doanh, hàng ngày tính toán sổ sách chả thấy mình thiếu sót hay kém cỏi gì. Tất nhiên mọi sự ví von đều dùng để nêu bật một luận điểm nào đó nên nó có xu thế cực đoan, nhưng không có nghĩa là nó không có giá trị.
Ước gì Việt Nam mình sẽ có những Ngô Bảo Châu trong các môn khoa học khác.
TuanHN