Theo hướng dẫn của Bộ Y tế ngày 7/8, những người được hưởng phụ cấp gồm: học sinh, sinh viên, học viên đại học, cao đẳng, trung cấp khối ngành sức khỏe, tình nguyện tham gia chống dịch tại các tỉnh, thành; người có chuyên môn y tế không hưởng lương từ ngân sách nhà nước tình nguyện tham gia chống dịch.
Mức phụ cấp 300.000 đồng/người/ngày áp dụng với người đi giám sát, điều tra, truy vết dịch; trực tiếp khám, chẩn đoán, điều trị người nhiễm hoặc nghi nhiễm Covid-19.
Người vận chuyển bệnh nhân, bệnh phẩm; giám sát dịch tễ, theo dõi y tế tại cơ sở cách ly y tế tại nhà... được phụ cấp 200.000 đồng/người/ngày.
Ngoài ra, tình nguyện viên được hưởng phụ cấp 120.000 đồng/người/ngày gồm tiền ăn và chi phí phục vụ nhu cầu sinh hoạt. Tất cả tình nguyện viên được xét nghiệm sàng lọc trước khi đi chống dịch, do ngân sách nhà nước chi trả. Người hưởng nhiều mức phụ cấp thì sẽ tính theo mức cao nhất.
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, tình nguyện viên phải cách ly tập trung. Nếu chọn cách ly tại khách sạn, resort, họ phải tự trả chi phí ăn, ở, sinh hoạt, riêng chi phí xét nghiệm nCoV do ngân sách trả.
Nếu tình nguyện viên cách ly tại doanh trại quân đội hoặc cơ sở do cơ quan có thẩm quyền chọn thì được ngân sách chi trả, gồm: Chi phí đưa đón từ nơi công tác đến nơi cách ly, phí xét nghiệm, tiền ăn, sinh hoạt.
Cán bộ, công chức bệnh viện công lập tham gia chống dịch được hưởng phụ cấp như trước đây, tương ứng với các mức từ 150.000 đến 300.000 đồng.
Thời gian qua, hàng nghìn sinh viên các trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương, Đại học Y Hà Nội, Đại học Y Dược (Đại học Thái Nguyên), Học viện Y Dược học Cổ truyền Việt Nam, Đại học Điều dưỡng Nam Định... đã tới TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai tham gia chống dịch.