"Calais Jungle - Rừng hoang Calais" là tên gọi khu trại tị nạn cho gười di cư ở phía đông thành phố cảng Calais, miền bắc nước Pháp. Ít nhất hai tình nguyện viên đã bị buộc rời đi hoặc bị "yêu cầu không được quay lại" vì những hành vi của mình đối với người di cư, Independent hôm 22/9 đưa tin.
Sự việc nổi lên sau khi một tình nguyện viên tố giác trên trang Facebook "Đoàn kết toàn dân Calais" có hơn 36.000 thành viên, cáo buộc có tình nguyện viên mua dâm và ngủ cùng nhiều người tị nạn ở trại.
"Tôi nghe nói có tình trạng bé trai quan hệ tình dục với tình nguyện viên, hay có đàn ông ngủ với gái bán dâm ở trại. Tôi cũng nghe nói có tình nguyện viên quan hệ với nhiều người trong một ngày".
Người tố cáo này cho rằng người tị nạn "ở vị trí hoàn toàn bất lợi về quyền lực" và "hoàn toàn phụ thuộc vào sự viện trợ từ các tình nguyện viên", vì thế, việc lạm dụng tình dục đã hủy hoại họ.
"Những gì tôi được biết chỉ là một phần nhỏ trong câu chuyện lạm dụng tại đây", người này viết.
Bài viết của tình nguyện viên này sau đó bị gỡ bỏ nhưng cũng đã gây ra tranh cãi và tạo nên một làn sóng phẫn nộ, chia rẽ nội bộ giữa các nhóm tình nguyện viên ở trại tị nạn.
Một số tình nguyện viên cho rằng chuyện quan hệ tình dục giữa nhân viên cứu trợ và người tị nạn là "tự nhiên" và chỉ trích việc tố giác là "trịch thượng và gia trưởng, phân biệt giới tính và phân biệt chủng tộc", còn những người khác tin rằng việc lạm dụng đã phá vỡ "quy tắc ứng xử thông thường".
Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn (UNHCR) đã áp dụng chính sách "không khoan nhượng" liên quan đến việc lạm dụng tình dục người tị nạn nhằm bảo vệ "tính toàn vẹn" của công việc tình nguyện tại Calais.
Tổ chức cứu trợ quốc tế Save the Children cũng bày tỏ quan ngại việc thiếu giám sát tại trại tị nạn Calais sau những cáo buộc trên.
Ruairidh Valler, đại diện tổ chức này cho rằng việc Calais là một trại tị nạn không chính thức và không được thành lập bởi Liên Hợp Quốc hay chính quyền Pháp đã dẫn đến vấn đề trên.
Lãnh đạo các tổ chức từ thiện trong khu vực xác nhận có tồn tại vấn đề trên, và tin rằng nó rất nghiêm trọng. Tuy nhiên, họ cho rằng rất khó xử lý tình huống này vì ở trại Calais không có tổ chức viện trợ nào của chính phủ hay quốc tế và cũng không có quy định kiểm soát tình nguyện viên.
"Nơi đây không được công nhận như một trại tị nạn chính thức vì được xây dựng bất hợp pháp. Vì vậy, chúng tôi không thể buộc ai phải ra đi", Clare Mosely, người sáng lập của Care4Calais, một trong những tổ chức từ thiện lớn nhất làm việc ở Calais cho biết.
Xem thêm: Cháy trại tị nạn ở Đức, nhiều người tán thưởng
Thảo Phan