Sáng ngày cuối năm Quý Mão, ông Hải, 48 tuổi, tranh thủ ra đoạn hộ lan trên quốc lộ 14H, thôn Tân Thọ, xã Duy Châu kiểm tra. Hộ lan dài 150 m, nằm trên đoạn khúc cua tay áo rộng 7 m, cao 5 m, một bên là hồ sen sâu 1m, một bên là vườn. "Dịp Tết, người dân đi lại đông, nguy cơ tai nạn cao nên tôi phải xem đoạn dây nào trùng, lốp bị xê dịch để sửa ngay", ông giải thích.
Ông Hải là thợ nhôm kính, lập xưởng cách khúc cua khoảng 200 m. Hơn 15 năm làm việc tại đây, ông chứng kiến hàng chục vụ tai nạn, gần nhất năm 2021-2022 có bốn vụ. Bốn thanh niên đi xe máy lao xuống hồ sen và tử vong. Nhiều vụ xảy ra ban đêm, nạn nhân bay cả người và xe xuống hồ mà không ai phát hiện.
Nhằm giảm thiểu tai nạn, ban đầu ông Hải phát dọn cây hai bên đường cho thông thoáng để người đi đường có thể quan sát từ xa, phát hiện khúc cua và giảm tốc độ. Tuy nhiên, tai nạn vẫn không giảm. Hầu hết nạn nhân chạy nhanh, lúc vào cua không kịp xử lý thì té ngã, văng ra xa. "Nhiều vụ tôi cùng người dân nhanh chóng sơ cứu, nhưng do nạn nhân bị thương nặng nên tử vong", ông Hải kể.
Cuối năm 2017, cầu Giao Thủy bắc qua sông Thu Bồn nối huyện Duy Xuyên với Đại Lộc đưa vào sử dụng, lượng người lưu thông qua quốc lộ 14H rất lớn. Hầu hết người dân Đại Lộc đi từ phía nam sông Thu Bồn về nhà thường qua đoạn đường này để rút ngắn khoảng cách. Số vụ tai nạn giao thông vì thế nhiều hơn.
Nhiều lần chứng kiến nạn nhân tử vong, ông Hải ám ảnh, tự nhủ phải làm gì đó giúp người đi đường. Vốn là thợ nhôm kính, hiểu biết về cơ khí, ông lên ý tưởng mua lưới sắt B40 và đóng cọc, thiết lập một hàng rào bên lề đường để ngăn người gặp nạn không bị văng xa hoặc rơi xuống hồ sen.
Nhưng hàng rào dài hơn 150 m tốn vài chục triệu đồng, bản thân không đủ tiền. Và nếu hàng rào cứng, nạn nhân va đập mạnh có thể nguy hiểm tính mạng. Khi biết một số đường đèo sử dụng lốp ôtô làm hộ lan hạn chế tai nạn, ông lên mạng tìm hiểu, thấy cách làm này cũng tốn nhiều tiền.
Sau nhiều đêm suy nghĩ, ông quyết định mua dây cáp kết các lốp xe máy, ôtô cũ làm rào chắn. Hàng ngày, ông đến các tiệm sửa chữa xe máy, ôtô ở huyện Duy Xuyên xin lốp xe cũ. Biết ý định của ông, có người cất trữ lốp xe rồi gọi đến lấy. Sau hơn nửa năm, ông tích được gần 300 lốp xe chất đống ở xưởng nhôm kính. Cứ rảnh rỗi, ông lại kết các lốp xe vào dây cáp.
Sau một tháng, hộ lan bằng lốp xe gắn với dây cáp dài hơn 150 m, cách mặt đường gần 2 m hoàn thành. Để cảnh báo, ông mua tám hộp sơn màu đỏ và trắng, giá 120.000 đồng/hộp về sơn lên xen kẽ. "Hộ lan bằng lốp xe co giãn được, người và xe khi va chạm vào thì có lực đàn hồi nên đỡ sát thương", ông giải thích, thêm rằng giải pháp này ít tiền và vẫn hạn chế được tai nạn.
Ngoài hộ lan, đoạn cua có ba cây xanh cao 5 m, đường kính hơn 40 cm. Nhiều vụ tai nạn, nạn nhân bị văng vào cây, tử vong. Nhằm khắc phục, ông dùng lốp xe kết quanh cây giúp nạn nhân không bị chấn thương nặng.
Ông Hải dự tính tiếp tục xin lốp xe làm thêm một hàng hộ lan gần hồ sen, cách hàng hiện nay khoảng 2 m. "Hiện mới có một hàng rào, người bị tai nạn có thể té ngã bay qua. Có thêm hàng nữa, nạn nhân sẽ được giữ lại, không rơi xuống nước. Sau té ngã, nạn nhân thường bất tỉnh, nếu ngâm nước mà không phát hiện sớm thì nguy cơ tử vong rất cao", ông giải thích.
Bán quán nước trước đoạn cua khoảng 100 m, bà Trương Thị Hoa, 60 tuổi, ở xã Duy Châu cho biết từ tháng 4/2023 hộ lan được hoàn thành, tai nạn đã giảm hẳn. "Một số vụ nạn nhân được hàng rào chắn lại nên chỉ bị thương nhẹ. Chưa vụ nào người và xe rơi xuống nước", bà nói.
Phó chủ tịch huyện Duy Xuyên Nguyễn Thế Đức đánh giá việc làm của ông Hải rất đáng quý, thể hiện tinh thần vì cộng đồng. Lan can đơn giản, nhưng đã cảnh báo người tham gia thông giảm tốc độ, hạn chế tai nạn. Về lâu dài, huyện sẽ kiến nghị các ngành chức năng làm lan can mềm để giảm tai nạn tại khúc cua.