![]() |
Ảnh minh họa google. |
Lại một lần nữa xin cảm ơn VnExpress và chân thành cảm ơn những ý kiến đóng góp của các bạn trong bài trước.
Trước khi bắt đầu một đề tài khác, cho tôi nói rõ một vài điều mà các bạn đã hiểu lầm. Tôi khẳng định với các bạn rằng, tôi không có ý bêu xấu bất cứ xã hội nào và hoàn toàn không có một tư tưởng tiêu cực. Những thông tin mà tôi đã đưa ra không ngoài mục đích chia sẻ một chút kinh nghiệm sống, hầu mong các bạn đang sống tha hương và những người chuẩn bị ra nước ngoài, đặc biệt là các bạn trẻ, có thêm chút kinh nghiệm sống để tránh đươc những "ổ gà tử thần " trên con đường thành công của các bạn.
Tôi và vợ tôi phải làm việc 72h/tuần là vì tính chất công việc của tôi, và tôi hoàn toàn không muốn ai thay thế công việc đó. Việc đau đầu nhất của tôi là làm sao giữ hòa khí, quản lý và động viên nhân viên của tôi làm việc hiệu quả nhất. Một sự thật rất chua xót là trong nhân viên của tôi có một người đã có bằng sau đại học mấy năm, đã làm việc cho hãng xe Chrysler và một người tốt nghiệp đại học ngành kế toán đang thất nghiệp, nhưng tôi đã không đủ khả năng để trả một mức lương xứng đáng với hai người họ. Nói thật là chiều lòng mấy người trí thức này phức tạp lắm, nhưng rất tiện là họ giỏi tiếng Anh nên lâu lâu họ lại giúp tôi trong việc giấy tờ thuế má, tất nhiên là tôi phải trả tiền công và cũng không quên tặng kèm chai rượu hay vài thùng bia uống cho đời bớt khổ.
Tôi làm việc tất nhiên cũng vì đồng tiền và mình cũng còn có cơ hội thì nên làm. Tôi không thích khoe khoang nhưng phải hé lộ một chút để các bạn khỏi hiểu nhầm. Năm 2003, tôi đã có thể ký một tấm check mua đứt một chiếc xe Mercedes S430 thì các bạn có thể hình dung khả năng tài chính của tôi như thế nào. Và có rất nhiều bạn hỏi tôi, tại sao khi mới tới Mỹ thấy cuộc sống cực khổ như vậy sao không về lại Việt Nam? Xin thưa rằng, người đi nước ngoài giống như người lội xuống đầm sen vậy. Người thì mải ngắm hoa sen, người thì thích hái gương sen để về nấu chè, còn tôi thì vừa ngắm hoa sen vừa hái gương sen và còn lặn xuống nhổ củ sen về nấu chè, nấu canh cho gia đình, bà con họ hàng làng xóm thưởng thức. Chẳng nhẽ lại lên bờ tay không ạ?
"Vào một ngày đông lạnh giá, căn nhà em phủ đầy tuyết trắng xóa như bông gòn, trông thật tuyệt làm sao. Anh như một lãng tử đa tình đến thăm em trên một chiếc xe thật sang trọng. Ôi! chiếc xe của anh còn bám đầy tuyết. Nó tỏa sáng lung linh giống như chiếc xe dâu gắn đầy kim cương. Những nụ hôn ngọt ngào ấm áp của anh đã làm em vơi đi nỗi cô đơn và cái lạnh đến thấu xương ở xứ người. Rồi mùa thu lại đến, anh lại đưa em đi trên con đường rộng thênh thang đầy nắng chiều vàng nhạt. Anh em mình vào rừng nhặt là vàng rơi chất đầy chiếc giỏ Louis Vuitton thượng hạng mà anh đã tặng em. Bất chợt, anh đã trao em những nụ hôn thật nồng nàn. Em say đắm nhắm mắt lại để lắng nghe tiếng nhịp đập gấp gáp của trái tim anh. Ôi! Nước Mỹ! Nó là thiên đường của anh và em".
Nếu tôi tiếp tục bài viết như thế này chắc chẳng ai bức xúc và có lẽ tôi sẽ nhận được một số điểm 10 và tôi tự cho tôi thêm 1 điểm ba xạo nữa. Những câu chuyện tương tự như vậy chỉ xảy ra trong phim tình cảm Hàn Quốc. Những mảnh đời đau thương và mất mát mà tôi đã và sẽ viết ra không phải xuất phát từ những lối tư duy tiêu cực hay nói xấu xã hội mà hầu mong nó như một cái roi kiến thức quất vào bộ não còn non nớt của lớp trẻ. Chỉ mong lớp trẻ nhận thức được đức hy sinh và mất mát của cha anh mà phấn đấu không bao giờ biết mệt mỏi, hay đối xử tốt hơn với những người bên cạnh. Nhưng tiếc thay rất nhiều người lại không hiểu được cốt lõi của vấn đề. Thật là tội nghiệp cho tôi!
Thông thường khi một cặp vợ chồng và con trẻ mới đặt chân tới miền đất hứa này, sau khi nghỉ ngơi một vài ngày thì họ thường nhờ một người thân chở tới một trung tâm thượng mại để dạo chơi. Các bạn sẽ rất dễ nhận ra vì họ đi gần như nắm tay nhau vì sợ lạc, và điều đặc biệt hơn là gặp bất cứ người Việt Nam hay na ná giống họ đều hỏi, anh/chị có phải là người Việt Nam không? Sau khi mệt mỏi tìm kiếm thì cuối cùng cũng gặp được một vài người Việt. Nhìn những đứa trẻ ngơ ngác thèm nói tiếng Việt như những đứa trẻ khát sữa. Bằng mọi cách họ bắt chuyện và hỏi đủ thứ. Những người ở đây lâu năm thường không có thời gian nên trả lời mấy câu cho xong chuyện. Người mới sang thì thòm thèm hỏi thêm mấy câu về kinh nghiệm sống của những người đi trước. Rồi thời gian trôi nhanh con người cũng phải quen dần với cuộc sống.
Sau một thời gian dài sống ở đây, họ cảm thấy được rất nhiều thứ như: được thừa hưởng văn minh xứ người, nhà, xe, tiền bạc và rất nhiều thứ khác. Do có cuộc sống sung túc về nhiều mặt mà rất nhiều người đã quên đi một cái thiệt thòi rất to lớn cho bản thân và con trẻ, đó là cơ hội tiếp xúc và kết bạn với người cùng dân tộc. Một mảnh đất mà tìm người bắt chuyện đã lồi cả con mắt thì làm sao con trẻ tìm được cơ hội lựa chọn cho một tình yêu đích thực.
Tôi vẫn nhớ một câu nói của một người lớn tuổi cách đây cả chục năm: "Ở Mỹ, có người mà lấy là may lắm rồi, lấy đâu ra để mà lựa chọn". Nhưng nếu như một ai đó may mắn tìm được tình yêu đích thực thì cũng chỉ năm bữa nửa tháng thì đa số họ dọn về ở chung rồi sinh con đẻ cái, chẳng đăng ký kết hôn hay tổ chức đám cưới gì cho nó phiền hà. Việc đến với nhau dễ dàng như vậy thì việc dắt trẻ thơ ra khỏi nhà thì có to tát gì. Khi đến chơi nhà một ai đó, thì bạn cũng đừng ngạc nhiên nếu như người ta giới thiệu: "Đây là đứa con chồng (hờ) đầu của em, đây là đứa con chồng thứ hai của em và đây là đứa con của vợ chồng em hiện giờ..." và mai sau thì?
Tôi vẫn nhớ một câu của một người bạn tặng tôi là: "Ở Mỹ, chỉ khi nào nằm chung với nhau ngoài nghĩa địa thì mới thực sự là một cặp vợ chồng". Tôi không có con số thống kê chính xác về ly hôn, nhưng khổ một nỗi là ở Mỹ cái gì nó cũng phải là hàng đầu thế giới thì nghe mới quen tai. Nhìn bạn bè và những người xung quanh thì phải nói là con số ly hôn rất cao, đó là chưa kể con số sống tạm với nhau có con rồi chia tay, nếu tính số này thì phải hơn 200% vì có rất nhiều người lấy nhau được 3-5 lần.
Những gia đình có tình yêu lứa đôi thật sự ấm áp và hạnh phúc thì phải nói là rất ít. Nhiều khi những cặp lớn tuổi ở Việt Nam qua đây một thời gian rồi dở chứng cũng là chuyện bình thường. Không dám đổ lỗi cho xã hội Mỹ mà mang tội, nhưng chắc có lẽ là họ uống phải nước "bạc tình" ở đây. Thật lòng mà nói, nếu ở Mỹ mà đến với nhau hay chia tay mà phải tới gặp quan tòa thì thời gian đâu mà đi cho lại mà tới gặp quan tòa hoài cũng ngại. Nhưng cũng không hiếm cặp trai tài gái sắc tìm được tình yêu thật sự. Khi tình yêu ra hoa kết trái thì cũng có một đám cưới được tổ chức.
Nếu như ở California thì có thể tổ chức một đám cưới hoành tráng được, nhưng còn mấy chục tiểu bang khác thì muốn cũng không được vì lấy đâu ra người, chỗ để mà tổ chức. Tôi cũng từng tham gia một số đám cưới, thường thì được tổ chức tại một quán phở Việt Nam hay nhà để xe của nhà họ. Đồ ăn thì thường là cánh gà chiên đủ loại, cơm chiên, mì xào chất đầy nhiều khay tha hồ mà ăn hay xúc mang về để mai đi làm. Gần đây nhất thì tôi có vinh dự được mời tới tham giữ một đám cưới của một cô bác sĩ trẻ với một cậu đã tốt nghiệp đại học quản trị kinh doanh nhưng đang làm giám đốc của một tiệm nail. Đám cưới được tổ chức hoành tráng tại một nhà hàng Trung Quốc. Khách mời dự kiến 140-150 người, chia ra 4 phòng ngồi riêng biệt, vì nhà hàng không có phòng lớn, nhưng chỉ có hơn 100 người tới tham dự. Chưa xong đám cưới cô dâu chú rể khóc nức nở, chắc tủi thân, vì khách tham dự tay bế tay bồng đến cho xong nhiệm vụ rồi vội vã ra về để mai đi làm sớm. Đồ ăn thì thừa quá nhiều mà chẳng ai muốn mang về vì ăn không được. Tôi thì cũng cố ngồi nán lại và mang về một it đồ ăn với hy vọng cô dâu chú rể vơi đi nỗi buồn tủi.
Vào năm 2003, tôi có quen người nhà của một ông cụ 83 tuổi. Thỉnh thoảng người nhà chở cụ tới chỗ tôi làm để chơi cho khuây khỏa. Nhìn khuôn mặt u sâu thểu não, nhớ quê hương như muốn khóc của cụ, tôi thấy thật đau lòng. Cụ tâm sự với tôi rằng: "Cái thân già này thì sống ở đâu mà chẳng được, chỉ tiếc cái chế độ ưu đãi người già và cái lá bùa hộ mệnh mấy trăm đô của chính phủ Mỹ gửi về hàng tháng mà không nỡ dứt áo quay về với quê hương. Rồi cái ngày Chúa gọi về cũng đến với cụ. Trước lúc ra đi, cụ không quên để lại cho con cháu hay chính phủ một khoản nợ 200-300 ngàn tiền viện phí. Phút lâm chung cụ dặn dò: "Bằng mọi giá phải đưa ba về Việt Nam". Sau một thời gian tôi mới nhận ra rằng cụ đã quên một câu hết sức quan trọng là: "Hằng năm vào ngày giỗ của ba, các con phải về Việt Nam để thắp cho ba một nén nhang". Vì bao nhiêu năm trôi qua tôi chưa thấy một ai trong gia đình về Việt Nam thăm mộ cụ.
Do cuộc sống ở xứ này hết sức sôi động và sung túc về nhiều mặt nên rất nhiều người đã quên đi rất nhiều thứ. Chỉ đến lúc vào viện dưỡng lão thì mới nhận ra mọi thứ đều vô nghĩa, chỉ có tình người mới thực sự đáng trân trọng. Nhà cửa, xe cộ, tiền tài, danh vọng chẳng qua chỉ là mây trôi giữa trời, và cũng lúc này mới nhận ra là mình và con cháu đã mắc phải căn bệnh "mất tình người" không có thuốc chữa của xã hội phương Tây và ra đi trong sự ân hận muộn màng chua xót.
Nếu như hôm nay tôi lại gửi tới các bạn một bài thơ lục bát nữa thì đọc ngán chết, nên tôi xin gửi tới các bạn một bài hát (nói) Ráp Việt. Thể loại này có sự ảnh hưởng của văn hóa phương Tây nên tôi phải phung phí ngôn từ và nội dung thiếu chính xác một chút.
MỸ LÀ THIÊN ĐƯỜNG?
Mỹ là thiên đường hay chốn đau thương?
Cuộc sống vấn vương tràn đầy đau khổ.
Nợ nhà nợ xe chất đầy tận cổ,
Làm ăn thua lỗ thiếu nợ tùm lum.
Vợ la um sùm con khóc thiếu sữa,
Cơm ngày hai bữa ăn đứng ngủ ngồi.
Quần áo lôi thôi không thời gian ủi,
Tiền khô cháy túi bill phải trả ngay.
Căng thẳng đêm ngày đọa đày thân xác,
Tóc tai phờ phạc râu bạc muối tiêu.
Lo toan đủ điều trăm chiều thiếu hụt,
Công việc sa sút lương tụt triền miên,
Chính phủ thiếu tiền vay liền các nước.
Đem về chia sẻ kẻ được người không.
Mọi người chờ mong một ngày thay đổi,
Kinh tế các khối lội ngược dòng sông,
nhưng chỉ hoài công vì sông đã cạn
Các ngành gặp hạn tệ nạn khắp nơi,
Nếu mong đổi đời ai ơi tránh Mỹ... tránh Mỹ... tránh Mỹ...
Trân trọng kính chào.
Danny Nguyen