Đã ba ngày nay, anh Trần Văn Hùng, 34 tuổi, ở thôn Tân Hải, xã Ngư Thủy Bắc, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình dầm mình trên con thuyền đánh cá của gia đình. "Khi nghe nói lũ về, nhiều bà con mình không kịp chạy tôi lập tức bàn với mọi người trong thôn để tổ chức các nhóm cứu hộ", anh Hùng kể.
Sau một hồi bàn bạc, mọi người trong thôn đã đi đến một quyết định "xưa nay hiếm" là thuê xe ôtô trọng tải lớn, mang những chiếc thuyền đánh cá từ biển vào đất liền.
Sau khi tập hợp được bốn chiếc thuyền máy, anh cùng những thanh niên trai tráng trong thôn lập tức lên đường. Từ tối 18/10, bốn chiếc thuyền, mỗi chiếc chở 4-5 người kèm theo đồ ăn len lỏi vào những vùng bị ngập nặng của huyện Lệ Thủy. Trước mắt anh và những bạn chài là dòng nước lũ mênh mông và những người đồng bào đang kêu cứu trên những ngôi nhà chỉ còn một mảng nóc nhô lên. Giữa đêm tối, mọi người phải căng tai "lọc" tiếng mưa, tiếng gió để nghe những tiếng kêu cứu và vội vã chạy thuyền đến.
"Những người đã trèo lên được mái nhà thì việc cứu hộ nhanh. Nhưng vất vả nhất là những người bị kẹt trong nhà vì nước lên quá nhanh. Chúng tôi phải dỡ mái nhà, dỡ tôn, thậm chí lặn xuống nước, phá khóa cửa để đưa người lên thuyền", anh Hùng kể. Quen đi biển, khi đi trong đất liền, những ngư dân này cũng rất căng thẳng bởi phải tập trung cao độ để không va vào dây điện hay đâm vào vật nhọn dễ bị thủng hoặc lật thuyền.
Từ 8h tối 18/10 đến 6h chiều hôm sau, bốn chiếc thuyền của thôn Tân Hải đã kịp giải cứu hàng trăm người bị cô lập giữa dòng nước xiết. "Nhiều người kêu cứu quá, thấy bà con đói khổ nên mình nuốt cũng không trôi, thi thoảng nhai tạm miếng mì tôm cho qua bữa", anh Hùng cho biết.
Sau khi đội thuyền đi biển của thôn Tân Hải "lên đất liền cứu hộ" thành công, người dân của xã Ngư Thủy Bắc đã dưa thêm được 30 thuyền nữa vào được vùng cứu hộ của huyện Lệ Thủy, cung cấp thực phẩm và di dời người dân đến nơi an toàn bất kể đêm tối hay mưa to gió lớn.
"Trong lúc này mọi người cần đến mình nhất", anh Hùng nói.
Trong khi đàn ông, trai tráng đi cứu người, tại một số vùng địa thế cao của xã Hưng Thủy, huyện Lệ Thủy, các bà các mẹ bắt tay nhau chuẩn bị cơm cứu đói, mua lương thực cho dân lũ, mở cửa nhà mình cho những hộ dân ngập lụt sống nhờ chờ ngày nước rút.
Chị Đinh Thị Thùy Nhung, 28 tuổi, xã Hưng Thủy, huyện Lệ Thủy, một trong 4 hộ gia đình trong xã đang nấu cơm hỗ trợ người dân vùng lũ cho biết, đã cung cấp được hơn 1.000 suất ăn trong ba ngày qua. Dù nhà chị cũng ngập đến 1,5m và phải di dời, nhưng hàng ngày người phụ nữ này vẫn kêu gọi sự ủng hộ để người nhà ở những nơi khô ráo tiếp tục nấu ăn giúp đỡ bà con. "Nhà ai có gì thì ủng hộ nấy, từ rau củ, gà vịt nuôi được, miễn là tấm lòng", chị Nhung chia sẻ.
Đồ ăn của các chị, các mẹ nấu xong được đóng hộp cẩn thận rồi chuyển lên thuyền cứu hộ đưa vào vùng ngập lụt. Không chỉ ở xã Hưng Thủy mà còn nhiều xã khác trong huyện Lệ Thủy, nhiều hộ gia đình cũng đang chung tay chuẩn bị từng suất cơm cứu đói.
"Người dân quê còn nghèo lắm, họ phải gồng gánh hết bão đến lũ, hết thiên tại nọ đến thiên tai khác nhưng tinh thần lạc quan kiên cường của họ vẫn còn. Họ sẽ vực dậy như những chiến binh", chị Nhung gửi niềm tin của mình đến người dân Lệ Thủy.
Hai hôm nay, nhà văn hóa của xã Quang Phú trở nên nhộn nhịp khác thường khi có gần 200 người đến từ 4-5h sáng để cùng nhau gói bánh và thổi xôi.
Quang Phú là một làng biển nằm ven thành phố Đồng Hới có địa thế cao nên đợt lụt này chỉ bị ngập nhẹ. Truyền thống của xã mỗi năm là đến 20/10, chị em cô bác tụ tập thi nấu nướng, ăn uống và văn nghệ. Nhưng năm nay mọi người đều mặc áo mưa và cùng nhau nấu những chiếc bánh chưng, bánh tét cũng như chuẩn bị lương thực quần áo để hỗ trợ cho mọi người bị thiệt hại ở vùng lũ.
"Người thì góp tiền, người góp gạo nếp, người thì góp thịt và lá chuối. Người biết gói thì góp công", chị Phạm Thị Thanh Hòa, một trong những người đầu tiên phát động chiến dịch nấu bánh chưng ở xã Quang Phú cho biết.
Ngày 19/10, đã có 3.000 chiếc bánh chưng, bánh tét được chuyển tới tay những bà con vùng lũ. Hôm nay 20/10, người dân lại chuyển sang nấu 2.000 suất xôi để bà con ăn đỡ ngán. Không chỉ gói bánh mà từ sáng sớm nhiều người đã có mặt để đóng gói mì tôm, nước lọc, dầu gió chở đến nơi tập kết chở vào vùng lụt. "Ban đầu chỉ là tự phát, không ngờ mọi người ủng hộ nhiều đến thế", chị Hòa cho hay.
Tại thành phố Đồng Hới, những ngày qua cũng có nhiều nhà hàng khách sạn treo biển phát đồ ăn miễn phí, ai đến lấy hay ăn tại chỗ đều được.
Phong trào gói bánh chưng gửi cứu trợ bà con vùng lũ Hà Tĩnh, Quảng Bình cũng xuất hiện ở nhiều địa phương. Từ chiều 19/10, công đoàn xã Nghĩa Xuân, huyện Quỳ Hợp, Nghệ An đã kêu gọi góp gạo, đậu, hái lá dong để gói bánh. Trong đêm 19/10, 350 chiếc bánh chưng đã được nấu chín để hôm nay chuyển tới tay bà con đang bị ngập nước.
Tại Hà Tĩnh, cũng trong ngày 19/10 hàng trăm chiếc bánh chưng cũng được người dân xã Hương Trạch và các xã khác ở huyện Hương Khê chung tay gói để gửi tới bà con vùng lũ Quảng Bình và trong tỉnh.
Hải Hiền - Đức Hùng - Văn Hải