Theo Từ điển Văn học Việt Nam từ nguồn gốc đến hết thế kỷ 19 (Nhà xuất bản Văn học, 2018), "khan" là loại hình sử thi dân gian của các dân tộc Tây Nguyên và ven biển Nam Trung Bộ. "Khan" được kể trong các dịp cầu cúng, lễ hội, dần trở thành một hình thức kể chuyện, sinh hoạt văn hoá bình thường của dân làng. Người kể "khan" là những nghệ nhân thông thuộc.
Tác phẩm "khan" được sưu tầm sớm nhất là Đam Săn, do công sứ người Pháp L.Sabatier phát hiện năm 1924 ở gần Buôn Ma Thuột. Sử thi Đam San dài hơn 2.000 câu, là trường ca truyền miệng lâu đời của người dân tộc Êđê ở Đăk Lăk, kể về sự tích chàng Đam Săn - một tù trưởng trẻ tuổi, tài giỏi.

Tạo hình Đam Săn và H'nhi trong một vở ca kịch. Ảnh: Báo Đăk Lăk
Theo tục nối dây trong chế độ mẫu hệ, Đam Săn phải lấy hai chị em H'nhi và H'bhi. Đam Săn cưỡng lại. Trời "đã chống gậy hèo đến thu xếp việc cưới hỏi". Đam Săn phải khuất phục trước sức mạnh của tập tục. Nhưng khi về đến nhà vợ, chàng tiếp tục chống lại cuộc hôn nhân đó. Chàng trễ nải công việc nhà vợ, không chăm sóc vợ và bỏ về.
Hành động tiêu biểu nhất là Đam Săn chặt cây smuk, một thứ cây thần, cây "linh hồn", cây "tổ tiên", "sinh ra H'nhi và H'bhi. Bởi những hành động trên, H'nhi và H'bhi đã hai lần chết. Khi vợ chết, chàng khóc thương "người vợ mà thần linh ban cho chàng", để chàng "có người nấu cơm, sắm thức ăn, dệt khố áo". Chàng đã xin thần linh ban phép cho vợ chàng sống lại.
Là một tù trưởng anh hùng, Đam Săn đã lập nên những kỳ tích trong lao động như thuần phục voi dữ, làm rẫy, bắt cá. Tôi tớ và dân làng theo Đam Săn càng đông, chàng càng thêm giàu mạnh.
Với khát vọng trở thành tù trưởng hùng mạnh, vươn tới cuộc sống phóng khoáng, Đam Săn đi cầu hôn Nữ thần Mặt Trời, nhưng thất bại và bị chết trong rừng sáp đen. Sau khi chết, chàng biến thành con ruồi và chui vào mồm chị gái mình, đầu thai thành Đam Săn cháu.
Cảnh kết thúc thiên sử thi lặp lại cảnh đầu. Họ hàng nhà H'nhi đến nhà chị ruột Đam Săn để hỏi Đam Săn cháu về làm chồng H'nhi, tiếp tục ngôi vị một tù trường giàu mạnh.