Chí Phèo lấy bối cảnh của làng Vũ Đại, trên thực tế có nguyên mẫu từ làng Đại Hoàng, tổng Cao Đà, huyện Nam Sang, phủ Lý Nhân - quê hương của tác giả Nam Cao (1917-1951). Bút danh Nam Cao cũng được ông ghép từ hai địa danh Cao Đà và Nam Sang.
Chí Phèo là một truyện ngắn nổi tiếng của Nam Cao viết hồi tháng 2/1941. Đây là tác phẩm xuất sắc về đề tài nông thôn, thể hiện nghệ thuật viết truyện độc đáo của nhà văn Nam Cao. Chí Phèo là đứa con hoang bị bỏ rơi từ lúc mới lọt lòng, được cưu mang, rồi lớn lên trở thành thanh niên đi làm thuê hiền lành, chất phác. Sau đó, Chí bị giam giữ do Bá Kiến ghen tuông, đẩy vào tù. Ra tù, Chí trở thành tay sai cho Bá Kiến, ngang ngược, hung ác. Chí Phèo bị loại ra khỏi đời sống của dân làng Vũ Đại.
Trong làng có "ngôi nhà Bá Kiến" - được dùng làm bối cảnh để nhà văn Nam Cao khắc họa nhân vật Bá Kiến trong tác phẩm Chí Phèo - lấy từ nguyên mẫu có thật là Nghị Bính. "Ngôi nhà Bá Kiến" kiểu thôn quê Bắc Bộ những năm đầu thế kỷ 20, xây trên khu đất rộng chừng 900 m2, với ba gian, 16 cột gỗ lim, mái lợp ngói nan, xà được trạm trổ hoa văn vảy rồng, vườn trước vườn sau đều trồng chuối ngự. Ngôi nhà đã qua bảy đời chủ.
Năm 2007, với mục đích lưu giữ ngôi nhà này, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Nam đã mua lại để bảo tồn và phát triển tuyến du lịch.

'Nhà Bá Kiến' tại làng Đại Hoàng. Ảnh: Ngọc Thành
Ngoài Chí Phèo, làng Vũ Đại (nguyên mẫu là Đại Hoàng) còn là bối cảnh của các tác phẩm Lão Hạc, Sống mòn của Nam Cao. Làng Đại Hoàng nay là thôn Nhân Hậu, xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam.
Câu 3: Ngoài nhà văn Nam Cao, nhà thơ nổi tiếng nào cũng quê Hà Nam?