Vương Hồng Sển (1902-1996), quê Sóc Trăng là nhà văn hóa, học giả, nhà sưu tập đồ cổ nổi tiếng.
Vương Hồng Sển có các bút hiệu Anh Vương, Đạt Cổ Trai, Vân Đường, người Minh Hương. Theo cách phát âm Hán Việt, chữ "Sển" đọc đúng là Thạnh, nhưng khi khai sinh người viết nghe đọc âm Thạnh (giọng Phước Kiến) nên viết trong giấy khai sinh là Sển.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Q. Thắng trong Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam (Nhà xuất bản Tổng hợp TP HCM, 2006), cụ tổ phụ Vương Hồng Sển nguyên quán thôn Lâm Mễ, làng Quan Khảo huyện Đổng Ấn, phủ Tuyền Châu, tỉnh Phước Kiến (Trung Quốc), đến đời tổ phụ sang cư ngụ tại làng Khánh Hưng, tổng Nhiêu Khánh, tỉnh Nguyệt Giang (sau đổi là Sóc Trăng).
Nhà văn hóa Vương Hồng Sển mang ba dòng máu Việt, Hoa, Khmer ở Sóc Trăng (cha Hoa, mẹ Việt - Khmer).
![Nhà văn hóa Vương Hồng Sển. Ảnh: NXB Trẻ](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2022/04/29/vuong-hong-sen-jpeg-7735-1651232803.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=IadEZAKijsz2xTzSyPi2og)
Nhà văn hóa Vương Hồng Sển. Ảnh: NXB Trẻ
Sống gần trọn thế kỷ 20, Vương Hồng Sển chứng kiến nhiều biến cố lịch sử miền Nam. Ông am tường về nhiều lĩnh vực liên hệ đến văn hóa Nam Bộ và là nhà cổ ngoạn độc nhất ở Việt Nam. Ông sưu tập được số lượng lớn đồ cổ Trung Hoa, Việt Nam có giá trị nghệ thuật độc đáo mà giới văn hóa thân quen gọi thân mật là "Cụ Vương cổ ngoạn".
Năm 1963, ông về sống, làm việc tại Gia Định. Sau ngày về hưu, ông được mời giảng một số chuyên đề văn học miền Nam và cổ ngoạn tại Đại học Văn khoa Sài Gòn và Huế.
Vương Hồng Sển qua đời tháng 12/1996, an táng tại Sóc Trăng. Trước đó, ông tự nguyện hiến tất cả gia tài gồm ngôi nhà cổ, đồ cổ ngoạn và sách vở đã sưu tầm được trong hơn 70 năm để làm một tàng cổ Vương Hồng Sển TP HCM.