Lịch sử hình thành Quảng Nam gắn liền với dòng chảy nam tiến mở rộng bờ cõi của dân tộc Việt Nam. Trước kia, Quảng Nam là đất Chiêm Thành. Năm 1306, vua Chiêm Thành là Chế Mân dâng hai châu Ô tức Thuận Châu (nam Quảng Trị, Huế) và châu Rí tức Hóa Châu (một phần Huế, bắc sông Thu Bồn) làm sính lễ cưới con gái vua Trần Nhân Tông là công chúa Huyền Trân. Biên giới Đại Việt là sông thu Bồn, người Việt dần chuyển đến định cư tại hai vùng đất mới.
Năm 1402, Chiêm Thành dâng hai động Chiêm Động và Cổ Lũy cho Đại Việt. Từ 1402-1407, chính quyền Hồ Quý Ly xác lập chủ quyền và ổn định chính trị trên vùng đất mới. Vùng đất mới được chia làm bốn châu Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa (tương đương với diện tích Quảng Nam và Quảng Ngãi ngày nay).
Năm 1407, quân Minh hỗ trợ Chiêm Thành lấy lại đất cũ, chính quyền Chiêm Thành lấn ra tới vùng Thuận Hóa (ngoại ô thành phố Huế ngày nay), người Chàm trở lại, thực sự làm chủ vùng đất này. Trong gần 40 năm, từ 1407 đến 1446, người Việt sống với người Chàm, lệ thuộc vào sự cai trị của người Chàm, ảnh hưởng đến việc hình thành bản sắc văn hóa.
Năm 1471, sau khi chiếm vùng đất phía Nam Thuận Hóa cho đến đèo Cù Mông, vua Lê Thánh Tông lập thêm đơn vị hành chính thứ 13 - Đạo Thừa Tuyên Quảng Nam gồm 3 phủ: Thăng Hoa, Tư Nghĩa và Hoài Nhơn (nay là Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định). Danh xưng Quảng Nam bắt đầu xuất hiện từ đây trong lịch sử mở nước của tiền nhân.
Theo Văn hóa Quảng Nam - Những giá trị đặc trưng, khu vực Đạo Thừa tuyên Quảng Nam vào thế kỷ 15 bao gồm vùng rộng lớn từ Nam Thuận Hóa vào sát núi Thạch Bi ở Phú Yên. Do đó, cả khu vực rừng núi xuống đồng bằng và các hải đảo dọc theo lãnh thổ trên đều thuộc Đạo Thừa tuyên Quảng Nam.
Tên gọi được thay đổi nhiều lần trong tiến trình lịch sử, thành xứ Quảng Nam năm 1490, trấn Quảng Nam năm 1520, dinh Quảng Nam năm 1602. Từ đó đến năm 1613, chúa Tiên sai con trai thứ sáu là Nguyễn Phước Nguyên (1563-1635) vào trấn thủ vì chúa và các cận thần đều xem đây là “đất yết hầu của miền đất Thuận - Quảng”. Sau khi kế nghiệp chúa Tiên, Phước Nguyên trao dinh Quảng Nam lại cho thái tử Nguyễn Phước Kỳ, tiếp theo là Nguyễn Phước Lan… cho đến thế kỷ 18 khi vương quyền chúa Nguyễn tan rã mới chấm dứt.
Năm 1806, vua Gia Long đổi là Trực lệ Quảng Nam dinh thuộc Kinh sư. Đến năm 1832, đời vua Minh Mạng thứ 13 đổi thành tỉnh Quảng Nam.
Câu 6: Quảng Nam có đường bờ biển dài bao nhiêu km?
a. 105 km
b. 115 km
c. 125 km