So sánh kích thước khung hình ở phân giải khác nhau. Ảnh: Rtings. |
Thuật ngữ 8K dùng để chỉ độ phân giải ngang của khung hình, đại diện cho số lượng điểm ảnh tính từ trái qua phải. Cụ thể, video 8K có độ phân giải 7.680 x 4.320 với hơn 33 triệu điểm ảnh, gấp bốn lần số điểm ảnh của video 4K (độ phân giải 3.840 x 2.160) và gấp 16 lần video 1080p (độ phân giải 1.920 x 1.080).
Samsung Galaxy S20 là một trong những thiết bị quay video 8K phổ biến nhất hiện nay. Tuy nhiên, mẫu flagship mới của Samsung còn nhiều hạn chế, như chỉ hỗ trợ quay 8K ở tốc độ tối đa 24 fps, không có HDR, chống rung và kích thước cảm biến cũng nhỏ hơn camera chuyên nghiệp.
Hơn nữa, tất cả video 8K đều yêu cầu dung lượng lưu trữ lớn. Ví dụ, một video 8K dài khoảng 5 phút được ghi lại bằng Galaxy S20 sẽ chiếm khoảng 3 GB bộ nhớ. So với video tương tự quay ở chất lượng 1080p chỉ có kích thước khoảng vài trăm MB.
Phóng to từng chi tiết
Hầu hết video hiện nay chỉ được cung cấp ở chất lượng 1080p. Video 1080p là đủ để đáp ứng nhu cầu khi xem trên màn hình nhỏ của smartphone và máy tính bảng, cũng như hiển thị ở mức chấp nhận được trên TV 8K.
Tuy nhiên, video ở độ phân giải cao hơn sẽ hữu ích khi cần phóng to hay cắt khung hình thừa, đặc biệt khi không thể tiến sát chủ thể. Với video 8K, người dùng có thể tùy ý phóng to những chi tiết thú vị và loại bỏ những thứ không cần thiết, mà vẫn đảm bảo video đầu ra ít nhất đạt chất lượng 1080p.
Ví dụ trên cho thấy, mật độ điểm ảnh cao hơn sẽ cho nhiều chi tiết hơn. Dù chất lượng khi phóng to không bằng ảnh 8K gốc, nhưng vẫn sắc nét hơn so với ảnh ở độ phân giải 1080p.
Thực tế, tính năng quay video 8K cho phép mô phỏng nhiều góc quay khác nhau. Chẳng hạn, khi quay cảnh hai người đang ngồi ăn tối tại một nhà hàng, người dùng chỉ cần quay một lần bằng camera 8K duy nhất ghi lại hình ảnh góc rộng của cả hai, sau đó sử dụng phần mềm chỉnh sửa như Adobe Premiere để tạo ra góc cận ứng với từng người.
Sắc nét hơn kể cả khi giảm độ phân giải
Trên lý thuyết, hình ảnh của video 8K sắc nét hơn đáng kể so với video 4K hay 1080p, người dùng không cần một chiếc TV 8K đắt đỏ để cảm nhận sự khác biệt.
Ngay cả khi tải video lên nền tảng như YouTube hay giảm độ phân giải bằng Adobe Premiere, video 8K nén và phát ở 1080p vẫn sắc nét hơn video 1080p phát ở 1080p. Tất nhiên, kết quả này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác, như chất lượng ống kính, cảm biến, thuật toán nén video... Nhưng nếu ở điều kiện như nhau, video gốc độ phân giải cao chắc chắn sẽ cho ra hình ảnh chi tiết hơn.
Sự bổ sung cần thiết cho video 360
Hình ảnh của video 360 hiển thị trên màn hình chỉ là một phần của hình cầu nên chất lượng kém hơn video quay bằng camera thông thường. Ảnh: Winudf. |
Vài năm gần đây, video 360 đã bắt đầu trở nên phổ biến nhờ khả năng ghi lại toàn cảnh không gian xung quanh. Tuy nhiên, các video chất lượng 5,7K ghi lại bằng camera 360 vẫn không thể sắc nét bằng camera 4K bình thường bởi màn hình chỉ hiển thị một phần nhỏ của toàn bộ hình cầu, ở độ phân giải thực tế 1080p. Tuy nhiên, các mẫu camera 360 với tính năng quay video 8K như KKao QooCam 8K hay Insta360 Pro 2 xuất hiện ngày càng nhiều trên thị trường. Cnet cho rằng, camera 360 hỗ trợ quay video 8K sẽ trở thành xu hướng trong tương lai bởi video 360 chất lượng cao sẽ rất phù hợp để người dùng xem qua kính VR.
Món quà cho tương lai
Việc ghi lại video 8K hiện tại được cho là món quà dành cho tương lai. Thực tế, bất cứ ai xem lại hình ảnh và video cũ đều ước chúng có chất lượng tốt hơn. Đó là động lực để một số hãng phim Hollywood phục hồi các bộ phim kinh điển và đưa chúng trở lại với độ phân giải cao nhất.
Tuy nhiên, người dùng cũng không nên vội vã đầu tư thiết bị có tính năng quay 8K. Thay vào đó, hãy cân nhắc khi ghi lại sự kiện quan trọng trong cuộc sống ở độ phân giải cao hơn trên thiết bị.
Ghi lại những khoảnh khắc quan trọng ở chất lượng cao hơn có thể là món quà cho tương lai. Ảnh: Phone Arena. |
Tính năng quay video 8K dành cho ai
Nếu thi thoảng quay video để chia sẻ trên mạng xã hội, người dùng có thể không cần tới thiết bị quay video 8K, một phần bởi nó không xứng đáng cho dung lượng lưu trữ quá lớn. Theo Cnet, tính năng này chỉ thực sự phù hợp với những nhà sáng tạo nội dung, tương tự công cụ khác như thiết bị chống rung và các loại ống kính camera.
Việt Anh (theo Cnet)