Những câu nói liên tiếp chọc giận dư luận nước Mỹ cùng xu hướng công kích những người chỉ trích, bất kể họ là ai, của ứng viên tổng thống Donald Trump đã khiến đảng Cộng hòa hoảng sợ, khiến giới quan sát lo ngại rằng tính cách "bốc đồng" của tỷ phú sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến chiến dịch tranh cử của ông, theo CNN.
Ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy ngay cả những cố vấn thân cận của ông Trump, kể cả chiến lược gia Paul Manafort, cũng có cảm giác rằng họ không thể kiểm soát được những gì tỷ phú sẽ nói ra khi đứng trước đám đông và ống kính truyền hình.
Trong một bài viết trên New York Times, ông Michael Morell, người từng giữ chức quyền giám đốc CIA giai đoạn 2010-2013, cho rằng ông Trump "không hề có kinh nghiệm trong lĩnh vực an ninh quốc gia". Trong các bài phát biểu của mình, tỷ phú sẵn sàng đưa ra những tuyên bố không có căn cứ, thậm chí là giễu cợt với những thực tế liên quan đến an ninh quốc gia.
"Những đặc điểm tính cách mà ông Trump thể hiện trong mùa bầu cử sơ bộ cho thấy ông ấy sẽ là một tổng tư lệnh tồi, thậm chí là nguy hiểm. Những nét tính cách đó bao gồm nhu cầu tự cường điệu hóa bản thân, phản ứng thái quá với những điều nhỏ nhặt, xu hướng ra quyết định dựa trên trực giác, không muốn thay đổi quan điểm dựa trên thông tin mới, sự phớt lờ các thực tế, thái độ không sẵn sàng lắng nghe người khác, và thiếu tôn trọng pháp luật", ông Morell viết.
Trong khảo sát mới nhất do Washington Post và ABC News thực hiện, chỉ có 33% số người được hỏi cho rằng ông Trump có "tính cách và phẩm chất" làm tổng thống, so với tỷ lệ 59% của ứng cử viên đảng Dân chủ Hillary Clinton.
Theo Julian Zelizer, giáo sư sử học và quan hệ công chúng tại Đại học Princeton, các ứng viên tổng thống thường đưa ra những lời hứa không bao giờ trở thành hiện thực trong hành trình tranh cử. Họ cũng tìm cách thể hiện hình ảnh bản thân và gia đình khác với bình thường, nói về những chính sách có thể sẽ rất khó thực hiện trong thực tế. Nhưng có một điều mà tất cả các ứng viên đều phải giữ vững, đó chính là khí chất điềm tĩnh của mình.
Việc có một tính khí điềm đạm, có khả năng kiềm chế trong mắt công chúng, thể hiện sự cân nhắc tốt khi nói về kẻ thù và đồng minh, có thể kìm nén những khoảnh khắc giận dữ, bột phát, đảm bảo nắm hết các thực tế trước khi đưa ra tuyên bố gây tranh cãi sẽ đóng vai trò rất quan trọng trong nhiệm kỳ 4 năm ở Nhà Trắng của các tổng thống Mỹ, theo giáo sư Zelizer.
Trong khi đó, ông Trump lại đang thể hiện hình ảnh hoàn toàn ngược lại. Trong mùa bầu cử sơ bộ, ông gây hấn với cả người nhập cư Mexico lẫn người Hồi giáo, liên tục công kích cá nhân các đối thủ trong đảng, thậm chí đặt nghi vấn rằng cha của một ứng viên có liên quan đến vụ ám sát John F. Kennedy.
Sau khi được đảng Cộng hòa chính thức đề cử, ông tiếp tục công kích đối thủ Hillary Clinton, thậm chí gây sốc khi đe dọa sẽ không ủng hộ các thành viên cốt cán của đảng tranh cử cấp bang.
Bài học lịch sử
Trong lĩnh vực đối ngoại, tính khí điềm đạm, không bạo ngôn đóng vai trò quan trọng. Đến nay, nhiều nhà sử học vẫn ca ngợi tổng thống George H.W. Bush vì sự im lặng của ông sau khi Liên Xô tan rã. Thay vì khoe khoang về chiến thắng của phương Tây, ông lặng lẽ để mọi việc dần diễn ra, để biến cố này không trở thành một câu chuyện về nước Mỹ.
Con trai ông, tổng thống George W. Bush, cũng được dư luận khen ngợi với bài diễn văn vô cùng cảm động sau vụ khủng bố 11/9, trong đó nhấn mạnh rằng Mỹ sẽ tham gia vào cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố, chứ không phải chống lại người Hồi giáo.
Trước đó nhiều thập kỷ, tổng thống John F. Kennedy đã trở thành một chuẩn mực về cách ứng xử trong cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962, khi dẫn dắt các cố vấn và dư luận nước Mỹ kiên nhẫn đẩy lùi sức ép đòi sử dụng vũ lực của các quan chức quân sự, nhờ đó giúp thế giới tránh khỏi một cuộc chiến tranh hạt nhân thảm khốc.
Khi ứng phó với các thành viên Quốc hội và các nhóm lợi ích, sự điềm tĩnh của tổng thống cũng rất quan trọng, đặc biệt là trong xu hướng một đảng kiểm soát cả Hạ viện và Thượng viện như hiện nay. Trong bối cảnh đó, tổng thống rất dễ có xu hướng nổi giận và tung đòn chống lại những gì bị coi là sự chống đối cứng đầu từ phía Quốc hội.
Ngay cả những tổng thống vốn nổi tiếng điềm tĩnh như Barack Obama đôi khi cũng cảm thấy khó khăn trong việc kiềm chế cảm xúc, đặc biệt là trong những khoảnh khắc như sau vụ xả súng kinh hoàng ở Newtown. Tuy nhiên trong thời đại hiện nay, các tổng thống Mỹ luôn cần thể hiện mức độ kiềm chế cao, tránh tạo cơ hội khai thác, công kích của các đối thủ.
Cuối thập niên 1990, Tổng thống Bill Clinton được coi là bậc thầy của nghệ thuật này, khi ông từ chối đáp trả đòn công kích đến từ các đảng viên Cộng hòa, và kết quả là dư luận đã quay sang chỉ trích Chủ tịch Hạ viện Newt Gingrich và các đồng nghiệp ngay khi họ chuẩn bị các bước để luận tội tổng thống.
Dù gây chiến với nhau trước dư luận như vậy, trong các cuộc gặp riêng, ông Clinton vẫn có thể thuyết phục được những thành viên như Gingrich ủng hộ kế hoạch ngân sách của mình. Ông luôn thể hiện sự kiềm chế dù đối thủ gia tăng giọng điệu công kích, và kết quả là ông kết thúc nhiệm kỳ với tỷ lệ ủng hộ rất cao.
Cũng theo giáo sư Zelizer, một bài học lịch sử thấm thía về khả năng kiềm chế tính khí là trường hợp của Tổng thống Richard Nixon. Những ngôn từ gây sốc mà ông này nói trong một cuốn băng ghi âm của Nhà Trắng, chẳng hạn như việc gọi người Do Thái "chỉ là những kẻ rất hung hăng và đáng ghét", đã hủy hoại nghiêm trọng hình ảnh của ông trong mắt công chúng, khiến họ đánh mất niềm tin vào chính quyền của ông.
Cử chỉ quen thuộc của Donald Trump trong các bài phát biểu (Nguồn: Telegraph)
Sự cố này đã làm hoen ố hình ảnh của Nhà Trắng trong mắt người dân Mỹ, và tất cả các đời tổng thống sau này đều luôn nơm nớp lo lắng lặp lại tai nạn của Nixon.
Giáo sư Zelizer cho rằng trong trường hợp ông Trump đắc cử, tình hình có thể trở nên tồi tệ hơn, bởi những phát ngôn gây sốc của ông không được đưa ra trong phòng kín như Nixon, mà được tung ra công khai giữa dư luận.
Bởi vậy, cách ông Trump có thể kiểm soát được tính cách "bốc đồng" của mình trong vài tuần tranh cử tiếp theo sẽ là tín hiệu quan trọng cho thấy chiến dịch vận động của ông sẽ thành công đến mức nào.
"Nếu ông tiếp tục công khai lăng mạ bất cứ ai cản đường, tiếp tục đưa ra những tuyên bố rời rạc, thiếu trung thực về các vấn đề chính sách trọng yếu, có lẽ Ủy ban Quốc gia đảng Cộng hòa sẽ chỉ ước rằng mình có thể đưa Trump vào một căn phòng và hét lên: 'Ông đã bị sa thải'!", Zelizer viết.
Xem thêm: Đông Á sẽ ra sao nếu Donald Trump trở thành tổng thống Mỹ
Trí Dũng