Sáng 19/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào báo cáo kết quả giám sát chuyên đề Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018-2023.
Theo báo cáo, giai đoạn 2015-2021, biên chế trong đơn vị sự nghiệp công lập giảm hơn 236.000, còn 1,789 triệu (giảm 11,67%). Trong đó, bộ, ngành giảm trên 40.000, địa phương giảm hơn 196.000, vượt mục tiêu 10% theo yêu cầu của Trung ương. Cơ quan có tỷ lệ giảm trên 50% gồm Bộ Tư pháp, Giao thông Vận tải, Tài nguyên và Môi trường. Một số địa phương có số liệu ấn tượng như TP HCM, Trà Vinh, Sóc Trăng.
Đoàn giám sát đánh giá giai đoạn này kết quả tinh giản biên chế đạt mục tiêu song chưa thực sự hiệu quả. Các đơn vị chuyển qua tự chủ nên giảm biên chế chưa sử dụng. Diện được tinh giản chủ yếu là nghỉ hưu, tự nguyện nghỉ, dôi dư sau sắp xếp và ốm đau, bệnh tật. "Kết quả tinh giản biên chế còn mang tính cơ học", Đoàn giám sát nhận xét.
Thống kê cũng cho thấy giai đoạn 2021-2023, tốc độ tinh giản biên chế chậm lại đáng kể. Mức giảm trong hai năm qua ở các địa phương chỉ đạt 1,42%, cách rất xa mục tiêu 10%. Thậm chí, 12 tỉnh, thành phố tăng số biên chế hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong giai đoạn này.
Đến 31/12/2023, số người được giải quyết chế độ tinh giản biên chế ở các bộ, ngành, địa phương là gần 90.000. Trong đó, người nghỉ hưu trước tuổi hơn 73.000, thôi việc ngay khoảng 16.000.
Theo Đoàn giám sát, nguyên nhân bất cập nêu trên là công tác rà soát, đánh giá viên chức hàng năm chưa thực chất, chưa đưa ra khỏi đội ngũ những người không đủ tiêu chuẩn, điều kiện và không đáp ứng được yêu cầu công việc. Cơ hội phát triển, tiền lương, thu nhập, môi trường công tác chưa thực sự hấp dẫn, chưa tạo được động lực thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. Số lượng biên chế ít trong khi khối lượng công việc ngày càng tăng.
Đoàn giám sát đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành sửa đổi, bổ sung tiêu chí cụ thể và phân loại, điều kiện thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập theo ngành, lĩnh vực. Chính phủ và các bộ sớm hướng dẫn xây dựng vị trí việc làm, quy định số lượng người làm việc trong đơn vị này, quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức theo ngành, lĩnh vực.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập, tinh giản biên chế là vấn đề phức tạp vì liên quan tổ chức, bộ máy. Khó khăn hiện nay chủ yếu xuất phát từ chậm trễ trong thể chế hóa chủ trương của Đảng, Nhà nước. Ông đồng ý với nhận định của Đoàn giám sát là phải giải quyết "tính cơ học trong sắp xếp, tổ chức đơn vị sự nghiệp công lập".
Chính phủ cần đảm bảo tính bền vững, đồng bộ thông qua đơn giản hóa thủ tục hành chính trong thành lập đơn vị sự nghiệp ngoài công lập, đảm bảo bình đẳng với đơn vị doanh nghiệp, đơn vị thuộc nhà nước trong khả năng tiếp cận các nguồn lực trên thị trường.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh thì đánh giá tự chủ trong các đơn vị sự nghiệp công lập đang rất thấp. Trong tổng số hơn 48.000 đơn vị, chỉ có 266 đơn vị tự chủ cả về chi thường xuyên và đầu tư; 3.000 đơn vị tự chủ mức độ 2. Ông đề nghị Đoàn giám sát làm rõ hơn vướng mắc trong vấn đề này để đề xuất giải pháp.