Mặc dù xã hội ngày nay có cái nhìn thoáng hơn về việc ăn cơm trước kẻng, tuy nhiên, chia sẻ trong buổi sinh hoạt mới đây của CLB tiền hôn nhân (Trung tâm truyền thông & giáo dục Sức khỏe TP HCM), tiến sĩ tâm lý Trần Thị Giồng (nguyên Phó chủ tịch Hội Tâm lý TP HCM) cho rằng việc ăn trái cấm vẫn có thể để lại những hệ lụy lâu dài cho mỗi người, đặc biệt là các bạn nữ.
Nhiều cô gái cảm thấy mất tự tin sau khi đã mất cái ngàn vàng. Bởi thực tế, văn hóa Việt Nam chịu ảnh hưởng của tư tưởng Khổng giáo, người đàn ông có “mặc cảm tự tôn” rất cao nên khó tha thứ cho việc “người khác ăn ốc, mình đổ vỏ”. Cuộc sống gia đình không phải lúc nào cũng bằng phẳng, những lúc cơm không lành, canh không ngọt, người đàn ông có thể mang việc này ra nhắc khéo, chì chiết. Còn những phụ nữ lỡ dâng hiến cho người khác thường mang cảm giác mắc lỗi với chồng nên dễ quỵ lụy hơn, điều đó khiến cho mối tương quan giữa hai người mất cân bằng.
Bà nhận định, phần lớn cặp có quan hệ tình dục trước lại không đến được hôn nhân, tình yêu khi đã vượt rào ăn trái cấm thường không an toàn. Quan hệ tình dục sản xuất ra một loại hoóc môn khiến người ta có cảm giác lệ thuộc nhau, mà tâm lý gọi là bonding hormone. Nó khiến người nữ thường có cảm giác bất an, sợ bỏ nhau dẫn đến đeo bám và níu kéo, có nhiều hành động khiến mình "mất giá", làm bạn trai không còn tôn trọng.
Theo bà vấn đề không phải là tình dục hay tình yêu, mà muốn tình yêu kéo dài, muốn được hưởng trái ngọt của tình yêu thì phải biết chờ trái chín. Khi còn bé, một trong những từ đầu tiên mà trẻ thường học nói là chữ "không". Trẻ sẽ rất tự tin khi nói không, nếu trẻ biết chúng muốn hay không muốn điều gì. Nhưng khi đến tuổi dậy thì, giai đoạn mà lòng tự tin bị đe dọa nhất, con người khó có thể làm chủ được mình. Nếu không tập luyện thì tuổi nào cũng có thể gặp khó khăn khi nói "không", nhất là khi người mình thương, mình yêu đưa ra yêu cầu, hay khi mình cảm thấy thật sự bị thu hút, hoặc dậy lên sự ham muốn.
Vì thế, chuyên gia tâm lý khuyên, bạn trẻ phải biết bảo vệ mình ngay từ xa, tránh đưa mình vào những tình huống khó từ chối, lý trí không vượt qua được cảm xúc. Trong các cuộc hẹn hò vui chơi chung, hay cuộc hẹn riêng tư tâm sự… ở những nơi xa vắng, nguy cơ không kiểm soát được bản thân rất dễ xảy ra. Các bạn, nhất là phái nữ có thể bị thúc ép, và dù muốn chống đối hay nói không đi nữa cũng khó có thể cưỡng lại khi bạn trai đã có ý muốn. Vì thế, đừng bao giờ hò hẹn nơi xa, vắng vẻ với một người đã có lần có những cử chỉ thiếu tế nhị hay đi quá xa giới hạn một cuộc gặp gỡ bình thường.
Bạn nên lắng nghe linh cảm của mình. Nếu cảm thấy không yên tâm khi gần một người nào thì nên tránh đi chơi riêng với họ. Không ăn mặc quá khêu gợi, dù không phải luôn xảy ra sự khơi gợi thèm muốn, nhưng ăn mặc kín đáo vẫn an toàn hơn. Không uống bia, ruợu trong những cuộc hẹn hò vui chơi. Nếu đã đi chơi, khi cảm thấy không an toàn, cố gắng chuyển hướng cuộc đi chơi, cuộc hẹn hoặc nếu được thì gọi điện thoại về nhà hay gọi cho một ai đó.
Bạn gái đừng đi xa hơn những cái hôn nhẹ, đừng để những sự vuốt ve mơn trớn xảy ra, vì đó cũng là nguy cơ tiến xa khó dừng... Chuyên gia cảnh báo, người nào hôn kèm với bàn tay "đi du lịch" thì không hẳn là yêu mà chủ yếu có ý đồ lạm dụng. Dù thế nào, bạn cũng phải biết cách bảo vệ mình, luôn tự chủ, cảnh giác và chịu trách nhiệm về hành vi của mình.
Bà cũng khuyên các bạn trai cần nhắc nhở mình, không có lý do gì để biện hộ cho hành vi thúc ép, cưỡng bách hay xúc phạm tình dục. Điều này luôn luôn là hành vi sai trái, chứng tỏ sự thiếu tôn trọng người khác và cả chính mình, làm giảm giá trị của mình cũng như tạo nguy cơ làm mất đi mối tương quan lành mạnh về sau.
Theo bà, trong tình huống nào, bạn trẻ cũng cần biết cách tế nhị trong ứng xử, và chú ý đến tâm tình của bạn mình. Ngược lại, nếu người yêu không chú ý đến những gì bạn cảm nhận, nghĩ hoặc muốn… thì bạn nên dè dặt và đặt lại vấn đề có nên tiếp tục giữ mối quan hệ với người đó nữa không. “Tình yêu là không tính toán, nhưng nếu đã đi đến dấn thân thì cần phải tính toán”, chuyên gia tâm lý khuyên.
Kim Anh