Sách do Nhà xuất bản văn hóa Hoàng Quán ấn hành, đây là công ty sách do Bình Vân - con trai của Lâm Uyển Trân làm chủ. Bà Lâm cho biết trên trang UDN đây là lần đầu lên tiếng về mối quan hệ với Quỳnh Dao và chồng cũ Bình Hâm Đào, sau nửa thế kỷ im lặng. "Tôi nghĩ, đã đến lúc kể phiên bản của tôi", bà viết.
Tác giả chia sẻ tuổi đã cao và sớm coi nhẹ mọi chuyện nhưng bao nhiêu năm qua, có nhiều người viết câu chuyện của bà và Bình Hâm Đào - Quỳnh Dao dưới góc nhìn quá khác biệt so với những gì bà trải qua. Hơn nữa vì con cháu động viên, bà quyết định ra sách.
Vãng sự phù quang tái hiện cuộc đời Lâm Uyển Trân từ lúc mới quen Bình Hâm Đào, từ chối tình cảm của ông tới lúc duyên số gắn kết hai người với nhau. Sách có những trang hạnh phúc khi ba người con của họ lần lượt ra đời, bà đan áo len cho con, lo từng bữa ăn cho cả nhà cho tới khi "kẻ thứ ba" xen vào cuộc sống gia đình, bà đau khổ đến mức muốn tự tử.
Sách còn kể giai đoạn ông Bình Hâm Đào thành lập Tạp chí Hoàng Quán, bà Lâm Uyển Trân giúp chồng huy động vốn, tuyển nhân viên. Bà gọi bản thân là nhân viên đầu tiên của tạp chí, vừa làm kế toán, vừa đảm nhiệm việc kết nối với độc giả.
Bình Vân cho rằng Vãng sự phù quang không chỉ làm rõ câu chuyện của bố mẹ với Quỳnh Dao mà còn là lời động viên đối với những phụ nữ âm thầm chịu đựng như mẹ anh. "Cuốn sách chỉ kể một phần mười nỗi khổ đau của mẹ tôi. Khi đọc xong bản thảo, tôi mới biết mẹ đã phải gánh chịu sự bất công lớn nhường nào. Mẹ từng muốn nhảy xuống sông để chết đi cho qua mọi chuyện, nghĩ tới những đứa con thơ mà từ bỏ ý định", Bình Vân nói.
Bình Vân tiết lộ thêm từ khi ly hôn, bố mẹ anh hầu như không gặp nhau. Đến nay, khi bố nằm trong viện, mẹ anh cũng không tới thăm. Khi Bình Vân và chị gái anh kết hôn, Lâm Uyển Trân và Bình Hâm Đào đều làm chủ hôn song không ngồi gần nhau.
Bình Vân cho rằng cha anh nợ mẹ một lời xin lỗi. Anh nói thêm từ nhỏ tới lớn, điều khiến anh thấy phiền toái nhất là thường bị người khác hiểu lầm là con của Quỳnh Dao. Bình Vân từng viết trên trang cá nhân: "Nếu một mối tình đánh đổi bằng việc làm tổn thương người khác, bằng sự hy sinh của người phụ nữ khác, thì cho dù thế nào, tình yêu đó không cao đẹp, không đáng đem ra khoe khoang, ngợi ca".
Lâm Uyển Trân sinh năm 1930 trong gia đình buôn bán giàu có. Ngoài làm việc trong tạp chí Hoàng Quán, bà còn là họa sĩ, từng tổ chức 17 triển lãm riêng. Bà sống cùng ba con sau khi ly hôn Bình Hâm Đào.
Theo Sina, Bình Hâm Đào ngoại tình với Quỳnh Dao tám năm trước khi ly hôn bà Lâm Uyển Trân. Ông Bình đăng ký kết hôn với nữ sĩ năm 1979, hai người sống bên nhau tới nay. Tuy nhiên, hai năm qua Bình Hâm Đào đau ốm liệt giường. Theo lời Quỳnh Dao, Bình Hâm Đào không muốn lắp ống thông dạ dày, không chấp nhận sinh mệnh nhân tạo nhưng các con ông phản đối. Quan hệ giữa bà và ba người con riêng của chồng căng thẳng vì vấn đề này.
Quỳnh Dao sinh năm 1938, là nhà văn, nhà biên kịch nổi tiếng Trung Quốc. Ngoài bút danh Quỳnh Dao, bà từng sử dụng tên Phượng Hoàng, Tâm Như. Quỳnh Dao được mệnh danh là "bà hoàng" của dòng tiểu thuyết ngôn tình Trung Quốc, với một loạt cuốn sách ăn khách như Song ngoại, Kỷ độ tịch dương hồng, Bên dòng nước, Mùa thu lá bay, Mỏi mắt ngóng trông, Hoàn Châu cách cách, Yên vũ mông mông (Dòng sông ly biệt), Xóm vắng... Nhiều tác phẩm của bà được chuyển thể thành phim, làm nên tên tuổi của Lâm Thanh Hà, Triệu Vy, Lâm Tâm Như, Tưởng Cần Cần... Bà cũng là người viết lời nhiều ca khúc được yêu thích như Trong mơ, Bến xe ly biệt, Chàng là gió thiếp là cát... Tháng 3/2017, Quỳnh Dao công khai bức thư dặn dò con cháu sau khi bà mất. Trong thư, Quỳnh Dao ghi rõ nếu bệnh nặng, bà muốn thực hiện "quyền được chết". Nữ sĩ dặn con không đăng cáo phó, không làm lễ truy điệu, không lập linh đường, không đốt vàng mã, không làm giỗ, không cúng bái tiết Thanh Minh... |