Cơ quan chuyên môn ghi nhận, sâu keo mùa thu xuất hiện trên cánh đồng lúa xã Yên Tiến (Ý Yên) cách đây bốn tuần, sau đó lan ra các xã Xuân Kiên, Xuân Phương (Xuân Trường), Nghĩa Bình (Nghĩa Hưng), với mật độ 1-3 con/m2. Năm hecta lúa ở Nam Định đã bị sâu keo tấn công.
Cây lúa bị hại thường héo khô, đầu lá, mép lá hoặc thân đứt ngang do sâu cắn. Loài này có thể di chuyển theo đàn từ ruộng này sang ruộng khác, gây thiệt hại diện tích rộng.
"Nông dân địa phương đã khoanh vùng, phun thuốc diệt sâu, bước đầu cho hiệu quả tốt. Tuy nhiên, thuốc đặc trị sâu keo mùa thu trên lúa chưa có, nông dân phải dùng một số loại thuốc khác khiến việc phòng trừ gặp khó khăn", ông Trần Ngọc Chính - Chi cục trưởng Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Nam Định nói.
Theo Giáo sư Phạm Văn Lầm (Viện Bảo vệ thực vật), sâu keo mùa thu có nguồn gốc châu Mỹ, có thể gây hại trên 300 loài thực vật, trong đó hại nặng trên ngô, lúa, kê và mía. Chúng là loài đặc biệt nguy hiểm, dù mới xâm nhập Việt Nam nhưng đã lan đến 37 tỉnh, thành, trong khi chưa có thuốc đặc trị nên sẽ đe doạ đến an ninh lương thực.
Giáo sư Lầm khuyến cáo, sâu keo mùa thu trên lúa không có chỗ ẩn nấp như trên cây ngô nên dễ phát hiện, nông dân cần thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, khi phát hiện sâu có thể phun một số hoạt chất hóa học trong danh mục tạm thời của Cục Bảo vệ thực vật như: Bacillus thuringiensis; Spinetoram; Indoxacarb; Lufenuron.
Sâu keo mùa thu (Spodoptera frugiperda), được ghi nhận gây thiệt hại nghiêm trọng trên cây ngô ở Châu Phi vào năm 2016. Sau đó, chúng xâm nhập vào nhiều nước Châu Á như Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan, Myanmar. Tại Việt Nam, sâu keo mùa thu xuất hiện cánh đồng ngô ở Nghệ An tháng 4/2019, đến nay chúng đã lan rộng ra 37 tỉnh thành, gây hại 16.466,6 ha/416.228 ha ngô hè thu.
Sâu keo mùa thu gây hại ở giai đoạn sâu non, mới nở chúng có thể nhả tơ, nhờ gió phát tán đến cây khác. Sâu non dài từ 0,5 – 40mm. Giai đoạn sâu non kéo dài 14-21 ngày, nếu độ ẩm cao, nhiệt độ thấp thì kéo dài khoảng 30 ngày. Loài sâu này gây thiệt hại lớn trên cây ngô và lúa làm giảm 30-60% năng suất, thậm chí lên tới 100% nếu không có biện pháp kiểm soát phù hợp.
Trên cây lúa, sâu non xuất hiện với mật độ cao, có thể di chuyển theo ‘đàn’ từ ruộng này sang ruộng khác, diện tích bị gây hại trông "giống như bị gia súc gặm".
Tất Định