Ông Ao Văn Thinh, Phó chủ tịch tỉnh Đồng Nai. Ảnh: Đ.Q. |
- Hơn 10 năm trước người dân đã gửi đơn kêu cứu về tình trạng gây ô nhiễm của Vedan, tại sao tỉnh không kiên quyết xử lý?
- Tại thời điểm đó, Vedan là đơn vị tiên phong xây dựng nhà máy tại đây khi việc tiêu thụ nông sản hàng hóa đang bức xúc. Thấy họ đầu tư ngay tại nơi trồng nguyên liệu không có đầu ra nên tỉnh đã lấy mục tiêu tiêu thụ nông sản là chủ yếu. Vedan là đơn vị lớn nên chúng tôi cũng không nghĩ Vedan đánh đổi thương hiệu bằng hành vi hết sức gian dối.
- Nhưng thực tế, Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh đã phát hiện nhiều sai phạm trong hệ thống xử lý nước thải bề nổi và đã xử phạt. Tại sao vừa qua, tỉnh vẫn tiếp tục chấp thuận các quyết định cấp phép xả nước thải cho Vedan?
- Các trình tự thủ tục do các cơ quan chuyên môn đều được thực hiện đúng pháp luật. Tháng 6/2007, Vedan có đơn xin Bộ Tài nguyên Môi trường cấp phép xả nước thải ra sông Thị Vải, nhưng Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh có chỉ ra một số điểm chưa đạt. Sau đó, công ty này khắc phục và cải tạo lại theo yêu cầu nên việc cấp phép xả nước thải cho Vedan sau khi trình vẫn được chấp nhận.
- Ông nghĩ sao khi dư luận đang đặt ra câu hỏi liệu có sự "bắt tay" giữa cơ quan chức năng địa phương và doanh nghiệp?
- UBND tỉnh đã làm mọi cách nhưng không thể phát hiện được những vi phạm này của Vedan. Sở Tài nguyên Môi trường được giao nhiệm vụ để kiểm tra, khảo sát đánh giá môi trường trước khi cấp phép hoạt động. Một doanh nghiệp gian dối quá siêu như vậy thì quả thực là rất khó phát hiện.
Những sai phạm về hệ thống xử lý thải thông thường tỉnh đã có những bằng chứng, đã xử lý hành chính và công ty này cũng đã khắc phục. Còn với phát hiện của cảnh sát về một hệ thống ống ngầm sâu dưới lòng đất 7-8 m thì chúng tôi không nắm được gì vì nếu có chúng tôi đã xử lý trước khi công an vào cuộc. Trước đây chúng tôi cũng đã thuê người nhái kiểm tra tại khu vực sông Thị Vải nhưng cũng không phát hiện được gì.
Theo tôi, với hành vi cố tình xả thải thẳng ra môi trường bằng những thủ đoạn che đậy của Vedan là đã vi phạm điều 181 Bộ luật hình sự. Đây không còn vi phạm những bước vận hành theo trình tự thông thường quản lý môi trường của một doanh nghiệp.
- Với những sai phạm vừa bị phát hiện, quan điểm của tỉnh thế nào trước đề nghị đóng cửa nhà máy Vedan?
- Hiện chúng tôi chưa nhận được đề nghị chính thức. Bộ Tài nguyên Môi trường đề nghị tạm đóng cửa để khắc phục sự cố môi trường chứ không phải đóng cửa để di dời nhà máy. Khi nào Vedan khắc phục xong, đáp ứng được các tiêu chuẩn về môi trường, đăng ký lại giống như một nhà máy mới thì tiếp tục sản xuất.
Chúng tôi đang lo là nếu đóng cửa Vedan mà tình hình ô nhiễm vẫn tiếp tục, vậy "hậu" Vedan sẽ là gì? Hiện mới chỉ có mình Vedan vi phạm có chứng cứ trong khi đó tôi biết ngoài công ty này còn nhiều doanh nghiệp vi phạm về môi trường.
- Nếu không nhận được đề nghị đóng cửa Vedan từ cơ quan trung ương thì hướng xử lý của tỉnh thế nào?
- Quan điểm của tỉnh là sẽ xử lý nghiêm các sai phạm về môi trường. Vụ việc ở Vedan, các cơ quan chức năng đã kiểm tra, kết luận những vi phạm cụ thể nên khi Bộ Tài nguyên Môi trường đề xuất hướng xử lý thế nào, tỉnh sẽ thống nhất thực hiện.
Sai phạm của Vedan, chỉ mới bị phạt hành chính và chưa qua lộ trình của mức phạt buộc phải giảm công suất. Hơn nữa, công ty này được Bộ Tài nguyên Môi trường cấp phép xử lý nước thải, không thuộc quản lý hoàn toàn của địa phương nên tỉnh cũng "lúng túng" trong phương thức xử lý.
- Từ hôm phát hiện sai phạm của Vedan tỉnh có làm việc với lãnh đạo nhà máy bao nhiêu lần?
- Chúng tôi vẫn đang chờ văn bản, hồ sơ từ Bộ đưa xuống, lúc đó mới làm việc với Vedan.
- Với hậu quả môi trường Vedan và nhiều doanh nghiệp gây ra cho sông Thị Vải, tỉnh sẽ có biện pháp gì để khắc phục?
- Chúng tôi đã tính tới phương án sẽ sử dụng sức nước xả ở hồ Cầu Mới để rửa chất thải tại 10km ô nhiễm nặng nhất của sông Thị Vải. Ngoài ra, chúng tôi đang tiến hành quan trắc môi trường để có thể khai thông một con kênh từ sông Đồng Môn nối vào sông Thị Vải để dẫn nước về. Nhưng phương án này sẽ ngốn hàng nghìn tỷ đồng và mất khá nhiều thời gian. Chúng tôi đang kết hợp với Cục hàng hải kêu gọi đầu tư.
Ngoài ra, UBND tỉnh sắp tới sẽ kiên quyết rút giấy phép, đóng cửa các khu công nghiệp, nhà máy trên địa bàn tỉnh không đáp ứng được tiêu chuẩn xử lý nước thải. Vừa qua, tỉnh đã có quyết định đóng cửa nhà máy Men thực phẩm Mauri La Ngà do xả nước thải xử lý chưa đạt tiêu chuẩn, gây ô nhiễm nguồn nước sông La Ngà. Đơn vị này đã từng bị xử lý hành chính và sau đó là bị buộc giảm công suất, xử lý lại hệ thống nước thải nhưng vẫn không đạt. Đây là doanh nghiệp thuộc quản lý của tỉnh.
Chỉ có 10 trong tổng số 27 khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có nhà máy xử lý nước thải tập trung. Chất lượng nước thải sau khi xử lý của tất cả các nhà máy xả vào hê thống sông trên địa bàn tỉnh đều chưa đạt tiêu chuẩn môi trường khi thải vào nguồn tiếp nhận. Đặc biệt có 5 khu công nghiệp đóng trên địa bàn huyện Nhơn Trạch hiện không có hệ thống thoát nước. Nước thải từ các nhà máy tại đây đã và chưa qua xử lý đều được xả thẳng lên bề mặt đất trong khu công nghiệp và thẩm thấu xuống đất có nguy cơ ảnh hưởng đến các giếng nước ngầm được khai thác tại đây. Sở Tài nguyên Môi trường đã kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo dừng việc thu hút đầu tư, mở rộng sản xuất tại 16 khu công nghiệp trên địa bàn. |
Đức Quang ghi