Ngôi nhà nhỏ với khoảng sân gạch gồ ghề của vợ chồng bà Vũ Thị Chúc và ông Bùi Văn Hải nằm nép cuối con ngõ vắng ở cụm 4 xã Ngọc Tảo, huyện Phúc Thọ (Hà Nội). Trừ trưa và chiều tối khi con trai và con dâu đi làm về, gian nhà hầu như luôn im phăng phắc. Dù mới đoàn tụ sau hơn 20 năm xa cách nhưng cặp vợ chồng gần 60 tuổi ít khi nói gì với nhau. Trở về sau thời gian dài lưu lạc, bà Chúc đã dần quen nhịp sống mới, nhưng vẫn nhớ mãi đứa con đang ở xứ người.
Bà Vũ Thị Chúc sinh năm 1962 trong gia đình nghèo. Bà và ông Hải nên duyên từ sự gán ghép của hai bà mẹ. Ông Hải kém vợ 3 tuổi, từ thời thanh niên đã có phần ngờ ngệch và yếu ớt, quanh năm chỉ quanh quẩn ở nhà.
Lấy nhau về, hai vợ chồng bà Chúc sinh con trai. Vợ cấy lúa, nuôi gà, chồng thỉnh thoảng đỡ đần cơm nước, cuộc sống đơn sơ nhưng cũng ấm áp bởi tiếng ríu rít trẻ thơ. Năm 1997, một người hàng xóm rủ bà Chúc ra Hà Nội làm vì "thương cảnh nhà nghèo".
"Tôi căm thù người đàn bà ấy", thỉnh thoảng, ánh mắt người phụ nữ vốn có gương mặt hiền lành lại ánh lên vẻ giận dữ khi nhắc tới người hàng xóm đã đẩy mình vào cuộc đời đầy bi kịch. "Tôi nhớ như in hôm ấy, bà ta dẫn tới một quán ăn lạ, nói tôi sẽ rửa bát, bưng bê tại đó. Thấy có nhiều người nhốn nháo, tôi đã cảm giác không yên dạ nên định chạy về theo nhưng bị người chủ quán kéo tay lôi lại", bà Chúc kể.
Ngày hôm sau, bà chỉ nhớ sau khi ăn bát phở họ cho thì buồn ngủ rũ rồi thiếp đi. Lúc mở mắt, bà ở một nơi lạ hoắc cùng vô số phụ nữ khác. "Tôi bị họ lùa vào hàng, rồi đám đàn ông từ đâu tới, nhòm vào tận mặt, người lắc đầu bước tiếp, kẻ định lôi tôi đi. Tôi sợ hãi không theo thì bị tát, đánh cho xây xẩm", bà Chúc kể lại chuyện 21 năm trước như vừa xảy ra hôm qua.
Sợ mình bị đánh đến chết nên sau đó, khi có người đàn ông trung niên trông dữ tợn tới săm soi, kéo đi, bà ngoan ngoãn bước theo. Bà được đưa về làm vợ một người nông dân tầm hơn 40 tuổi ở Quảng Đông, Trung Quốc, ở chung với bố mẹ và anh chị ông ta. Vừa lạ vừa sợ, không biết tiếng, lại quắt ruột nhớ con nơi quê nhà, ngày đêm bà chỉ biết khóc. "Hồi đó nhà họ đối xử với tôi cũng tốt, luôn mang đồ ăn ngon tới nhưng tôi không thể nuốt nổi", bà kể.
Rồi mọi việc cũng nguôi ngoai. Sau 3 tháng, bà không còn khóc nữa, bắt đầu ra khỏi nhà, đi làm nương cùng gia đình họ. Nhưng ngày cũng như đêm, bà như tù nhân, bị xích tay vào chồng. "Tôi chỉ được thả ra vài phút mỗi ngày khi đi vệ sinh, đi tắm", bà kể.
Ở Trung Quốc gần 2 năm, bà sinh con gái. Sinh xong, người mẹ bị rong kinh kéo dài, thân thể héo mòn. "Anh chồng, chị dâu muốn đưa tôi đi viện nhưng 'ông ta' (chồng) không cho vì 'làm gì có tiền'. Tôi tưởng mình không sống được qua đận đó", bà kể. Cũng may, vài tháng sau, sức khỏe bà hồi được vài phần. Nhưng cô con gái lại qua đời vì ốm yếu. Không lâu sau, bà Chúc sinh một bé trai.
"Ở bên đó, tôi không gặp người Việt nào, cũng chẳng được gọi điện cho ai. Thỉnh thoảng, tôi cứ thấy bồn chồn, hắt hơi liên tục, nghĩ thể nào ở quê cũng có chuyện. Sau này hỏi ra thì đúng thật", bà trầm giọng.
Bà Chúc kể, ở nhà chồng tại Trung Quốc, bà không bao giờ có tiền trong người, thỉnh thoảng chồng chỉ đưa vài đồng mua thức ăn. Là người vốn cam chịu, bà không than thở gì. Nhưng cuộc sống cũng chỉ êm đềm vài năm thì ông ta cưới về một người vợ nữa và thường xuyên đánh đập bà. "Ông ấy lôi tôi vào phòng, khóa trái cửa lại, cứ thế giáng đòn như thể tôi là kẻ thù",bà nói. Một lần, những người hàng xóm nghe tiếng đấm đá thùm thụp rồi âm thanh kêu khóc từ nhà bà nên đã chạy đi báo công an. Ông chồng bị bắt vào tù vì gây thương tích cho vợ. Vài tháng sau được trở về, ông ta không ra đòn nữa nhưng dọn ra ở hẳn với vợ mới, mặc kệ bà Chúc và cậu con trai tự lo cho nhau.
"Thằng bé ngoan lắm, biết thương mẹ. Nó đi làm ăn xa còn dặn lại 'Bố mà đụng tới mẹ là con nhờ người báo công an bắt", mắt bà Chúc ngân ngấn khi kể về cậu con trai 19 tuổi ở Trung Quốc.
Năm 2016, bà bất ngờ được công an Trung Quốc "giải cứu" trao trả về nước. "Người ta đưa đi trong đêm, tôi chẳng kịp gọi báo cho con biết, chỉ vơ vội vài bộ quần áo, định mang theo mấy bức ảnh, giấy tờ có địa chỉ, điện thoại của con thì ông chồng đã giằng lấy đốt đi", bà ngậm ngùi nói. Bà lên xe trở về quê hương nhưng trong lòng hoang mang như bị áp tải đến xứ lạ.
Bà Chúc được đưa về nhà bố mẹ đẻ nhưng cả hai đều đã qua đời. Nghe mọi người kể, bà nhận ra ở bên kia mình cay đắng bao nhiêu thì ở quê nhà người thân cũng khổ sở chẳng kém. 21 năm qua hai bên nội - ngoại xích mích. Hóa ra, người hàng xóm nói với bên nhà chồng rằng bà tự ý trốn khỏi chỗ làm, mặt khác lại loan tin với bên ngoại là bà Chúc bị gia đình chồng đánh đập, đuổi đi. Hai bên hiểu lầm, kiện tụng nhau và chỉ chịu rút đơn khi hàng xóm, chính quyền đứng ra khuyên can.
Người phải chịu nhiều thiệt thòi nhất có lẽ là cậu con trai đầu lòng của bà Chúc, Bùi Dương. Người đàn ông 28 tuổi nhớ như in ngày cuối cùng được gặp mẹ đó: "Hôm đó mẹ đưa cho tôi hai gói kẹo rồi dặn ở nhà ngoan, mẹ sang nhà ngoại một lát rồi về. Và từ đó mẹ đi mãi", Dương kể.
Vắng mẹ, hai bố con ít khi nói chuyện, rau cháo nuôi nhau nhờ làm vài sào ruộng và cuốc mướn, đổ đất thuê. Sau khi bà nội mất năm 2011, ngôi nhà xiêu vẹo lại càng hoang vắng hơn. Ông Hải từ đó càng chán đời, chẳng làm lụng gì, suốt ngày đi lang thang khắp làng.
Hết cấp 2, Dương bỏ học, lang thang ra Hà Nội đi làm, rồi từ đó bươn chải vào Nam, ra Bắc. Cậu vẫn đau đáu muốn tìm lại mẹ. Năm 2013, để dành được chút tiền, cậu tới Lào Cai rồi tìm cách qua biên giới, thuê người phiên dịch dẫn đi các vùng nghe nói có phụ nữ Việt Nam bị bán sang. Sau 10 ngày lần tìm, hết tiền, Dương phải trở về và hy vọng được gặp lại mẹ ngày càng mong manh.
Rồi khi đang làm ở Sài Gòn, nghe người nhà gọi điện báo tin mẹ đã về, lòng Dương chộn rộn nhiều cảm xúc, cả giận cả thương, vừa muốn lập tức lao về vừa có chút buồn tủi dằn dỗi. "Gặp mẹ tôi cũng có chút 'bâng khuâng' nhưng thực sự xa cách quá lâu rồi nên tình cảm cũng phai nhạt", Dương bộc bạch. Cuộc gặp lại sau 21 năm xa cách không có cái ôm nào. Mẹ anh khi đó thậm chí còn ngơ ngẩn, chẳng nói được tiếng Việt, thỉnh thoảng ú ớ vài câu tiếng Trung.
Dương đón mẹ về ở với bố. Anh không trở vào Nam nữa, ở lại chăm sóc mẹ. Ở nhà vài tháng, bà Chúc khỏe lên, hàng xóm kéo tới chơi, bà dần nhận ra mọi người, bắt đầu nói lại tiếng mẹ đẻ. Gặp lại người phụ nữ hàng xóm ngày nào đã lừa mình, nỗi căm hận lại trào lên. Gia đình bà từng nghĩ tới việc kiện, bắt bà ta phải đền tội nhưng hàng xóm can ngăn, lại thấy họ tuổi đã cao, ốm đau liên tục nên bà cũng không muốn truy cứu nữa.
Ông Nguyễn Văn Toan, trưởng thôn nơi vợ chồng bà Chúc cư trú, cho biết, sau khi bà bị lừa bán sang Trung Quốc trở về, địa phương đã hỗ trợ công nhận họ là hộ cận nghèo để cả hai được giảm chi phí trong việc khám chữa bệnh.
Trong căn nhà hai gian trống tuềnh với vài món đồ từ thập niên 90, ông Hải đi đi lại lại, lúc tủm tỉm tự cười, khi mắt nhìn xa xôi vô định. Ông không còn lầm lũi đi khắp nơi mà hay ở nhà, tới bữa biết cắm nồi cơm, quét dọn sân, hè. Bà Chúc nhận lại mấy sào ruộng, thỉnh thoảng ra đồng cắt cỏ, bón phân. Vợ chồng Dương bận rộn việc chạy chợ nhưng ngày hai bữa đều về nấu cơm, ăn cơm cùng bố mẹ. "Tôi muốn phụng dưỡng mẹ nốt phần đời còn lại. Nhưng bà lại nói không thích ở nhà, đòi sang Trung Quốc ở với 'thằng bé' kia", Dương nhìn về phía mẹ, chia sẻ.
Vương Linh