Những người thuê nhà trong độ tuổi từ 62 đến 81, phải ngủ trên ba chiếc giường nhỏ trong một căn phòng chỉ rộng 15 m2 ở trung tâm thành phố Trùng Khánh vì không đủ điều kiện vào viện dưỡng lão, theo SCMP.
Chi phí ở viện dưỡng lão khoảng 1.300 nhân dân tệ/tháng (206 USD), còn khi sống trong căn phòng này, họ chỉ phải trả 150 tệ (24 USD). Những cụ ông không con cái và nghèo khó này phải ngủ trên những chiếc giường cũ kỹ, chịu đựng tiếng ồn ào liên tục và không hề có không gian riêng. Thế nhưng, họ đều tìm thấy một niềm vui bất ngờ khi cùng chia sẻ không gian chật hẹp này, đó là không khí ấm áp, quan tâm lẫn nhau.
"Số phận đã đưa mọi người tới đây", Wang Gande, 74 tuổi, chủ nhà, kiếm sống bằng nghề kéo xe rác và cũng đang sống cùng những cụ ông này, chia sẻ.
Căn phòng chật chội đã tạo ra không gian để những người thuê nhà có thể chăm sóc lẫn nhau. Wang cùng đứa con trai tàn tật và những người thuê nhà của ông sống trong một phòng ngủ khác, nhưng dùng chung nhà bếp, nhà vệ sinh và phòng khách.
Wang nói ông thích sự ấm cúng khi sống cùng những người khác và cùng nhau dùng cơm. Do đó, trong suốt 20 năm qua, ông đã cho thuê căn phòng rộng nhất trong căn hộ rộng 40 m2. Những khách trọ của ông đều là người đến từ các vùng nông thôn, chưa bao giờ kết hôn và không có con cái.
Căn hộ này là một món quà từ người chủ của vợ ông Wang. Vợ ông từng chăm sóc cho chủ nhà trước đây và người này đã để lại ngôi nhà cho bà sau khi qua đời.
Câu chuyện của những người đàn ông này là ví dụ mới nhất về hoàn cảnh khó khăn của người nghèo, người già và người không có con cái ở Trung Quốc. Họ phải sống trong không gian chật hẹp mà truyền thông gọi là "nhà quan tài".
Sự xuất hiện của những "nhà quan tài" ở Trung Quốc nhấn mạnh thực tế khắc nghiệt mà người già và người nghèo ở Trung Quốc đang phải đối mặt.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, tình trạng này sẽ càng cao khi tỷ lệ người trên 60 tuổi ở Trung Quốc tăng lên 28% vào năm 2040 so với 12% năm 2010.
Theo một nghiên cứu của Zhu Xiao, nghiên cứu viên trường Đại học Nhân dân Bắc Kinh, gần 50 triệu người già tại quốc gia đông dân nhất thế giới đang phải sống dưới mức nghèo khổ chỉ với 1,9 USD/ngày. Nhóm này chiếm 23% tổng số người cao tuổi cả nước.
Liu Kaiming, người đứng đầu tổ chức phi chính phủ Viện Quan sát Xã hội Đương đại có trụ sở tại Thâm Quyến, cho biết những người ở nông thôn đặc biệt dễ rơi vào tình trạng đói nghèo do thiếu các cơ sở phúc lợi tại chỗ. Nhiều người cao tuổi ở các vùng nông thôn không có nguồn thu nhập.
"Việc thiếu các chương trình phúc lợi tại chỗ là một vấn đề phổ biến ở Trung Quốc", ông Liu nói.
Dù việc thống nhất các chương trình bảo hiểm y tế dành cho người già ở các thành phố và nông thôn đã được đưa ra từ năm 2014, nhưng mức trợ cấp mỗi tháng chỉ từ 100 đến 300 nhân dân tệ (16-48 USD), phụ thuộc vào tiêu chuẩn địa phương, ông Liu nói thêm.
Đối với những người sống trong căn hộ của ông Wang, mỗi ngày trôi qua đều giống nhau. Bất kể ở độ tuổi nào, ngày nào họ cũng dậy sớm, làm đủ việc từ sáng sớm đến nửa đêm với mục tiêu kiếm đủ sống. Họ thu gom rác và bán cho các cơ sở tái chế, bán kẹo hồ lô trên đường phố, bốc vác ở những khu chợ bán thịt và sản phẩm tươi sống.
Luo Zhaofu, người bán kẹo hồ lô, cho biết ông đã lỡ cơ hội lập gia đình khi còn trẻ. Giống như những người thuê nhà khác tại đây, ông Luo không đủ tiền đưa cho nhà gái làm sính lễ - món tiền hoặc quà tặng đôi khi lên tới vài nghìn USD.
"Ít nhất thì tôi cũng sẽ có một đứa con nếu tôi có thể đủ tiền cưới vợ", Luo nói.
Huyền Lê