Khỉ đột và người từng có tổ tiên chung. Ảnh: blirk.net. |
Alex Weiss, một nhà khoa học của Đại học Edinburgh tại Anh, cùng các đồng nghiệp theo dõi 283 con khỉ đột trong nhiều vườn thú tại Mỹ từ năm 1993 tới năm 2011. Trong khoảng thời gian đó 119 con chết ở độ tuổi từ 2 tới 55, Livescience đưa tin.
Dựa vào quan sát và nhận xét của những nhân viên vườn thú, nhóm nghiên cứu xác định được tính cách của từng con khỉ đột. Họ nhận thấy, tuổi thọ trung bình của nhóm khỉ đột hướng ngoại nhất cao hơn tới 10 năm so với nhóm khỉ đột rụt rè nhất. Kết quả không thay đổi sau khi các chuyên gia tính tới các yếu tố khác như giới tính, tuổi, số lần bị chuyển từ vườn thú này sang vườn thú khác. Tuổi thọ trung bình của khỉ đột là 35 tới 40 năm.
Nguyên nhân khiến khỉ đột có tính cách hướng ngoại sống lâu hơn vẫn là một ẩn số. Nhưng nhóm nghiên cứu cho rằng, những con hướng ngoại sẽ có nhiều bạn bè và mối quan hệ hơn. Giống như con người, khỉ đột chống chịu áp lực tâm lý hiệu quả hơn nếu chúng có đời sống xã hội phong phú. Một giả thuyết khác là: Sự nhút nhát và kiểu sống khép kín làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Đây là một trong những bệnh gây tử vong hàng đầu đối với khỉ đột trong môi trường nuôi nhốt.
Khỉ đột và người từng có tổ tiên chung. Hai loài bắt đầu tiến hóa theo hai hướng từ khoảng 10 triệu năm trước. DNA của khỉ đột và người giống nhau tới 99%. Vì thế nhóm nghiên cứu cho rằng kết quả nghiên cứu của họ cũng có ý nghĩa đối với con người.
"Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy mối quan hệ giữa mức độ hướng ngoại và tuổi thọ từng tồn tại ở tổ tiên chung của người hiện đại và khỉ đột", Weiss lập luận.
Một số nghiên cứu trước đây đối với khỉ rhesus macaques chứng minh rằng những con có tính cách hướng ngoại sở hữu hệ miễn dịch mạnh hơn, còn những con có tính cách khép kín mắc bệnh nhiều hơn.
Minh Long