Trong thông báo ngày 30/5, Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ (DIA) so sánh ảnh chụp các bộ phận tên lửa đạn đạo Hwasong-11Ga trong nhà máy Triều Tiên và một số mảnh vỡ tại tỉnh Kharkov sau trận tập kích của Nga hồi tháng 1.
"Phân tích cho thấy Nga sử dụng tên lửa đạn đạo được chế tạo tại Triều Tiên cho chiến dịch nhằm vào Ukraine. Mảnh vỡ tên lửa Triều Tiên xuất hiện trên khắp Ukraine", DIA tuyên bố.
Nga và Triều Tiên chưa bình luận về thông tin này. Cả Moskva và Bình Nhưỡng đều nhiều lần phủ nhận việc Triều Tiên chuyển vũ khí cho Nga dùng trong chiến dịch nhằm vào Ukraine.
Các công tố viên Ukraine hồi đầu tháng 5 cho biết đã kiểm tra mảnh vỡ của 21 trong số 50 "tên lửa đạn đạo Triều Tiên" mà Nga phóng từ cuối tháng 12/2023 đến tháng 2. Họ nhận định nửa số tên lửa bay chệch quỹ đạo và phát nổ trên không, do đó không thu hồi được mảnh vỡ.
Thông tin Nga dùng tên lửa Triều Tiên khiến Hàn Quốc và Mỹ lo ngại, khi điều này có thể báo hiệu kết thúc của gần hai thập kỷ đồng thuận giữa các thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc trong việc ngăn Triều Tiên mở rộng chương trình tên lửa và hạt nhân.
Phương Tây cho rằng tên lửa Triều Tiên chỉ chiếm một phần nhỏ trong các trận tập kích của Nga nhằm vào Ukraine. Họ cáo buộc ngoài việc tạo cơ hội để Bình Nhưỡng thử nghiệm thực chiến tên lửa, Nga còn khiến Liên Hợp Quốc khó giám sát lệnh trừng phạt Triều Tiên.
Tháng trước, Moskva đã phủ quyết việc gia hạn hoạt động của nhóm chuyên gia đã giám sát việc thực thi các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc với Triều Tiên trong 15 năm qua.
Vài ngày trước khi ngừng hoạt động, nhóm chuyên trách này trình thông tin về việc thành phố Kharkov của Ukraine bị tên lửa Hwasong-11 do Triều Tiên chế tạo tập kích, cáo buộc đây là hành vi vi phạm lệnh trừng phạt của LHQ.
Nguyễn Tiến (Theo Reuters)