Tạp chí Der Spiegel của Đức hôm nay cho biết Cơ quan Tình báo Liên bang (BND) từng yêu cầu các nước thành viên Ngũ Nhãn, liên minh tình báo gồm Mỹ, Anh, Canada, Australia và New Zealand, cung cấp bằng chứng cho giả thuyết nCoV rò rỉ từ phòng thí nghiệm ở Vũ Hán, Trung Quốc.
Cũng theo tạp chí Đức, một báo cáo tình báo sắp trình lên Bộ trưởng Quốc phòng Annegret Kramp-Karrenbauer kết luận những cáo buộc của Mỹ là nỗ lực có chủ đích nhằm chuyển hướng dư luận khỏi thất bại của chính quyền Tổng thống Donald Trump trong công tác xử lý Covid-19.
Phát ngôn viên chính phủ Đức chưa bình luận về những thông tin của Der Spiegel.
Thông tin được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố "có bằng chứng to lớn" chứng minh giả thuyết này. Tuy nhiên, dường như không có thành viên nào trong liên minh Ngũ Nhãn muốn ủng hộ phát ngôn của Pompeo.
Trump hôm 3/5 cho biết Trung Quốc "phạm sai lầm rất khủng khiếp" khi lừa dối thế giới về quy mô, nguy cơ bùng phát Covid-19 và tìm cách che giấu dịch. Ông đã yêu cầu các điệp viên Mỹ tìm hiểu nguồn gốc nCoV.
Bắc Kinh và Washington đang tranh luận gay gắt về nguồn gốc nCoV. Bất chấp WHO nói virus bắt nguồn từ chợ động vật tươi sống và phần lớn giới khoa học bác bỏ suy đoán nó rò rỉ từ phòng thí nghiệm, Tổng thống Trump và Ngoại trưởng Pompeo vẫn thúc đẩy giả thuyết này.
Liên minh châu Âu và Australia cũng kêu gọi mở cuộc điều tra quốc tế độc lập về nguồn gốc và quá trình lây lan nCoV. Thủ tướng Australia Scott Morrison cho rằng "nguồn gốc khả dĩ nhất của nCoV là từ chợ động vật hoang dã tươi sống", nhưng cũng không loại trừ giả thuyết của chính quyền Trump.
Giới chức Lầu Năm Góc và liên minh tình báo Ngũ Nhãn cũng thiên về nhận định nCoV có nguồn gốc tự nhiên. Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ tuần trước ra thông cáo khẳng định các cơ quan tình báo nước này "đồng tình với quan điểm của giới khoa học rằng nCoV không phải virus nhân tạo hay được điều chỉnh gene".
Bộ Ngoại giao Trung Quốc gọi những cáo buộc trên là chiến lược chính trị nhằm bôi nhọ nước này nhằm phục vụ cho cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào cuối năm nay.
Ánh Ngọc (Theo Reuters)