Từ ghế bành ở phòng khách, nhiếp ảnh gia hướng mắt về phía hành lang. Gần đó, vợ anh, Maaike, đang giúp con gái lớn là Merel 9 tuổi làm bài tập.
Tiếng động ngày càng lớn và Fleur, con gái 6 tuổi của Jasper, lên tiếng chào vị khách. "Xin chào Ollie".
Con chim bồ câu tên Ollie bước vào phòng khách. Nó phớt lờ chủ nhà, tiến thẳng đến chiếc bàn nơi các bé gái đã để sẵn những mẩu bánh mì. Trong lúc Ollie ăn uống, Jasper nhón chân, khẽ lấy máy ảnh và bắt đầu chụp.
Từ ngày 16/3, chính phủ Hà Lan đóng cửa trường học, kêu gọi cộng đồng ở nhà. Không giống các nước khác, người dân Hà Lan vẫn được ra ngoài song vợ chồng Jasper hầu như không bước ra khỏi cửa vì bận chăm các con.
Jasper quyết định chụp ảnh ghi lại quá trình tự cách ly và nhanh chóng, những vị khách bồ câu trở thành nhân vật chính của anh. Trong bối cảnh đại dịch, những chuyến thăm hàng ngày của Ollie và bạn đời tên Dollie vô tình giúp gia đình nhiếp ảnh gia quên đi sự căng thẳng.
Ollie và Dollie lần đầu đến nhà Japser từ năm ngoái. Một buổi sáng tháng 4/2019, đang vừa uống trà vừa hít thở không khí ngoài ban công, Jasper bất ngờ phát hiện một con chim trên lan can, "bộ lông màu tím pha xanh lục tỏa sáng dưới ánh nắng". Nó, cùng với một con chim khác, đã làm tổ ở ban công nhà Japser, ngay dưới chiếc ghế anh hay ngồi.
Ban đầu, vợ Jasper không mấy vui vẻ vì cho rằng bồ câu vừa hôi vừa mang nhiều mầm bệnh. Tuy nhiên, theo nhà sinh thái học đô thị André de Baerdemaeker từ Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Rotterdam, bất cứ loại chim hoang dã nào cũng mang ký sinh trùng và vi khuẩn và bồ câu không nguy hiểm hơn những loại này. "Dưới điều kiện bình thường, khả năng bồ câu truyền bệnh cho người là rất nhỏ", ông de Baerdemaeker nhận định.
"Hơn nữa, bồ câu là động vật thông minh và tình cảm", Jasper nói thêm.
Jasper thừa nhận anh không vui vẻ gì khi dọn chất thải của lũ chim. Thế nhưng, khi biết chúng đang nuôi con trong tổ, mọi ý định xua đuổi đôi bồ câu biến mất.
"Tôi không bao giờ quên được sự phấn khích của Merel khi quả trứng đầu tiên nở và để lộ ra sinh vật kỳ lạ màu vàng", nhiếp ảnh gia kể. "Đáng tiếc là lũ chim non đã chết vì hai đợt nắng nóng và tổ chim trở thành nhà của bọn kiến. Chúng tôi phải bỏ tổ chim đi".
Một năm trôi qua, Ollie và Dollie quay lại ban công nhà Jasper. Nhờ ảnh chụp, anh biết rõ đó là đôi chim năm ngoái.
"Chúng tôi vừa ăn xong bữa tối thì nghe thấy tiếng động lớn trong bếp. Đó là Dollie, đang ăn đống cơm thừa trong đĩa của Merel", Japser kể. "Nó nhìn lên rồi tiếp tục ăn, chẳng sợ hãi gì".
Thấy lũ bồ câu trở lại, Merel và Fleur có chút sợ hãi. "Cứu con với, chúng nhào vào con này", Merel hét lên, cách đây vài tuần.
"Tôi không thể ngừng cười", Jasper chia sẻ. "Lũ bồ câu cho bọn trẻ cơ hội tiếp xúc với động vật hoang dã trong thành phố và tôi tin rằng điều đó có giá trị giáo dục lớn. Bọn trẻ cũng sớm nhận ra chẳng việc gì phải sợ".
Không chỉ là khách, Ollie và Dollie nhắc nhở gia đình Jasper rằng "con người không đơn độc trên hành tinh này và chúng ta cần chia sẻ Trái Đất với tất cả các sinh vật khác".
Ollie đã xong việc trong phòng khách. Jasper theo nó ra hành lang và thấy Dollie đang đợi trên bàn bếp. Hai con chim nhìn Jasper một lúc rồi tung cánh bay. "Tôi ghen tỵ với tự do của chúng", nhiếp ảnh gia nói.
Thu Nguyệt (Theo National Geographic)