Thông tin trên được UBND tỉnh Bạc Liêu công bố tại buổi kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào Bạc Liêu, chiều 13/2. Trong đó, phân bổ các dự án trọng điểm đầu tư tiếp tục tập trung vào 5 lĩnh vực trụ cột: Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (41 dự án); lĩnh vực công nghiệp năng lượng tái tạo (gồm điện gió, điện mặt trời) và điện khí (27 dự án); phát triển văn hóa, thể thao, du lịch (25 dự án); kết cấu hạ tầng, y tế-giáo dục và môi trường (35 dự án)...
Riêng lĩnh vực thương mại, dịch vụ và nhà ở hiện có 96 dự án đang chờ nhà đầu tư tham gia. Trong đó không ít dự án có quy mô lớn, lên đến hàng trăm ha như dự án khu đô thị mới TP Bạc Liêu (208 ha), khu đô thị mới đường Nguyễn Thị Minh Khai (400 ha), khu đô thị phía Đông Nam cầu Tôn Đức Thắng (433 ha)...
Loạt dự án trọng điểm thuộc lĩnh vực văn hoá, thể thao, du lịch quy mô lớn cũng nhận được sự quan tâm như; dự án khu văn hoá thể thao và đô thị sinh thái Tây Nam thành phố Bạc Liêu (800 ha), khu du lịch văn hoá resort nghỉ dưỡng (110 ha), khu du lịch nghỉ dưỡng ven biển phường Nhà Mát (200 ha)...
![Lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu làm việc với đại diện doanh nghiệp tại TP HCM chiều 13/2. Ãnh: Phan Cường.](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2025/02/13/z6314711209182-ee7b45155de8ef8-2439-4417-1739454263.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=XzkKIywAZH4pdAsUPb6hFg)
Lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu làm việc với đại diện doanh nghiệp tại TP HCM chiều 13/2. Ãnh: Phan Cường.
Phần lớn các dự án kêu gọi đầu tư trong năm nay đều theo hình thức doanh nghiệp bỏ vốn 100%, tỉnh sẽ có những chính sách ưu đãi về tiền sử dụng đất, thuế, thủ tục hành chính... để hỗ trợ cho doanh nghiệp.
Tại buổi làm việc, ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, cho biết quan điểm chung của tỉnh là thu hút đầu tư nhưng có chọn lọc, tập trung vào các dự án có quy mô lớn, mời gọi doanh nghiệp có tiềm lực tài chính. Ngoài ra, tỉnh cũng chú trọng đến các dự án có quy mô vừa và nhỏ phù hợp với tiềm năng, thế mạnh và điều kiện của Bạc Liêu.
Chủ tịch tỉnh này cũng cam kết chính quyền các cấp sẽ luôn đồng hành và chia sẻ khó khăn cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư đến với tỉnh nhà. Ông khẳng định sẽ huy động mọi nguồn lực, kiến tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển theo phương châm, "nói không với các chi phí không chính thức" và "việc gì dễ dành cho doanh nghiệp, việc khó thì các cơ quan Nhà nước phải đứng ra phụ trách".
Bên cạnh đó, để thúc đẩy nhà đầu tư mạnh dạn đến với Bạc Liêu hơn, tỉnh đã đề xuất mở rộng quốc lộ 1A đoạn Sóc Trăng đến Cà Mau để gỡ thế bế tắc về giao thông và đã được duyệt. Mở rộng tuyến đường ven biển đấu nối với các tỉnh lên đến Cần Thơ bằng vốn ODA giai đoạn 2025-2030, đầu tư cảng nước sâu Trần Đề. Chính phủ đã chấp thuận đầu tư cao tốc Kiên Giang - Rạch Giá - Hà Tiên - Bạc Liêu, đấu nối với các tuyến cao tốc khác để liên thông hạ tầng. Cầu Gành Hào cuối năm hợp long nối với Cà Mau, giúp rút ngắn thời gian từ Bạc Liêu đến sân bay Cà Mau chỉ còn 1 giờ di chuyển.
Trong khuôn khổ buổi làm việc, nhiều doanh nghiệp đã bày tỏ sự quan tâm và đóng góp ý kiến cho các chính sách thu hút đầu tư của Bạc Liêu.
Bạc Liêu là tỉnh thuộc Vùng Đồng bằng sông Cửu Long, có diện tích tự nhiên 2.669 km2, với dân số trung bình 921.809 người (trong đó lực lượng lao động 15 tuổi trở lên chiếm hơn 52%).
Theo báo cáo từ UBND tỉnh Bạc Liêu, tính đến tháng 10/2024, tỉnh đã thu hút đầu tư được 202 dự án (trong đó gồm 184 dự án trong nước, với tổng vốn đăng ký đầu tư 65.837 tỷ đồng và 18 dự án nước ngoài với tổng vốn đăng ký đầu tư 4,7 tỷ USD). Trong bối cảnh kinh tế hết sức khó khăn, năm qua tỉnh Bạc Liêu vẫn đạt 17 trên 21 chỉ tiêu kế hoạch năm. Tổng thu ngân sách nhà nước đạt 4.207 tỷ đồng, vượt 7,6% dự toán, tăng 2% so với cùng kỳ.
Phương Uyên