Việt Nam đang có xu hướng mất cân bằng giới tính với tỷ lệ bé trai/bé gái sinh ra là 110/100 (trong khi mức bình thường là 105-107/100). Theo ông Ian Howie, Trưởng đại diện Quỹ dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, tình trạng này tương tự như Trung Quốc cách đây khoảng 10 năm, và có thể trở thành nghiêm trọng trong vài thập kỷ tới nếu không có cách khắc phục.
Hiện 16 tỉnh có tỷ số giới tính khi sinh chênh lệch cao và rất cao so với mức bình thường. Có tới 16 tỉnh tỷ số giới tính khi sinh từ 115 đến 128 nam/100 nữ.
Tình trạng nam nhiều hơn nữ này cũng xảy ra ở nhiều nước châu Á, chẳng hạn ở Trung Quốc là 120/100, Ấn Độ 120/100.
Khảo sát của Ủy ban Dân số, gia đình và trẻ em Hà Nội cho thấy thể lực và chiều cao của trẻ em thủ đô đều hơn mức trung bình của cả nước. Ở bậc tiểu học, 39% nam và 36% nữ vượt chiều cao trung bình.
Ở bậc phổ thông trung học, nữ sinh cũng cao hơn mức bình quân cả nước 1 cm (đạt 156 cm), nam sinh cao hơn 2 cm (đạt 167 cm).
Tiến sĩ Nguyễn Công Khẩn, Viện trưởng Dinh dưỡng Quốc gia, cho biết tỷ lệ thai phụ và trẻ em thiếu máu dinh dưỡng hiện khá cao, nhất là ở nông thôn. Theo điều tra mới đây tại Thanh Hóa, có đến 35% trẻ nhỏ và 35% thai phụ ở trong tình trạng này.
Thiếu máu ở thai phụ sẽ có thể dẫn đến sinh non hoặc đứa trẻ sinh ra dễ ốm đau bệnh tật. Ở trẻ em, tình trạng này dẫn đến chậm phát triển thể lực và trí tuệ. Để góp phần khắc phục, Viện Dinh dưỡng sẽ hỗ trợ bổ sung chất sắt vào nước mắm cho những cơ sở sản xuất đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm.
Hải Hà