- Khi nghe thông tin về sai phạm trong việc chia tiền hỗ trợ Tết cho người nghèo, cảm giác của ông như thế nào?
- Tôi rất bất bình và đau xót. Cũng như nhiều nước trên thế giới, nước ta đang chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, gặp rất nhiều khó khăn về kinh tế và an sinh xã hội. Trong hoàn cảnh ấy, việc Chính phủ hỗ trợ người nghèo để mỗi người dân đều có tiền ăn Tết thể hiện tinh thần trách nhiệm, sự quan tâm đối với nhân dân và nỗ lực rất lớn của Đảng, Nhà nước.
Với mỗi người nghèo, số tiền Chính phủ cấp có giá trị không nhỏ, ít nhất cũng giúp dân có tiền mua sắm những khoản chính trong dịp cả nước đón xuân. Bên cạnh đó, chắc chắn mỗi người, mỗi gia đình nghèo còn cảm nhận được sự động viên, thấy thêm vững tin vì luôn có Đảng, Nhà nước và toàn xã hội bên cạnh trong lúc khó khăn.
Vì thế, bớt xén tiền ăn Tết của người nghèo, kể cả dưới hình thức tranh thủ thu “những khoản đóng góp còn thiếu” trong dịp Tết, là làm sai chính sách của Đảng và Nhà nước, làm trái quyết định của Chính phủ, đi ngược lại truyền thống tốt đẹp của nhân dân ta, và trong một số trường hợp, là biểu hiện của tham nhũng, cửa quyền.
Ông Nguyễn Minh Thuyết: "Cần nhất là sự minh bạch, công khai trong việc hỗ trợ người nghèo". Ảnh: Hồng Khánh. |
- Ông nghĩ gì khi sai phạm chủ yếu ở cấp cơ sở, là các trưởng thôn, người do chính dân bầu lên và cũng gần gũi, hiểu cuộc sống nghèo khó?
- Đáng lẽ cán bộ cơ sở phải là người hiểu dân nhất, thương dân nhất, có ý thức bảo vệ quyền lợi của dân nhất. Thế mà một số người đã hành xử như những hào lý xấu thời xưa, phụ lòng tin cậy của Đảng và Nhà nước, phụ lòng bà con chòm xóm gửi gắm hy vọng qua lá phiếu bầu mình.
Có lần, tại phiên chất vấn của Quốc hội, một đại biểu nói chức trưởng thôn ở nhiều nơi cũng phải “chạy”. Phải chăng “chạy” là vì chức ấy cũng sinh lợi? Đối với những người chạy chức, chạy quyền như vậy, tổ chức và nhân dân cần dứt khoát không cử, không bầu.
Quyền lợi người dân đương nhiên được hưởng mà họ còn dám bớt xén thì làm sao họ có thế làm việc công tâm để đem lại quyền lợi cho dân? Giao việc cho những người không đáng tin cậy chính là nguyên nhân gây ra hiện tượng xấu này.
- Cũng có ý kiến việc xử lý các vụ việc liên quan đến sai phạm kiểu như ăn bớt tiền chính sách của người nghèo, người bị thiên tai còn bị nương nhẹ nên không có tính răn đe, ngăn ngừa vi phạm. Theo ông, đâu là trách nhiệm của các cấp chính quyền?
- Theo tôi, trước hết, cấp ủy Đảng và chính quyền các tỉnh thành nhận tiền hỗ trợ dân nghèo ăn Tết của Chính phủ cần tổ chức rà soát lại toàn bộ công việc, tiếp tục phát hiện, kết luận các sai phạm và tùy mức độ mà xử lý đúng quy định của Đảng và của pháp luật, báo cáo Chính phủ rõ.
Cần xử lý người trực tiếp sai phạm về hành vi của họ và xử lý cả cấp trên trực tiếp về trách nhiệm quản lý, giáo dục cán bộ. Mức độ xử lý phải đủ nghiêm khắc để làm gương cho những người khác. Có như vậy thì mới hạn chế được việc lặp lại những vụ việc tương tự trong tương lai.
- Việc bớt xén tiền của dân đã từng xuất hiện ngay cả trong những lần quyên góp hỗ trợ đồng bào gặp thiên tai gây suy giảm lòng tin. Quan điểm của ông thế nào?
- Đúng là hiện tượng bớt xén tiền Tết Kỷ Sửu của người nghèo, cũng như một số vụ việc bớt xén tiền cứu trợ thiên tai, cứu trợ khó khăn trước đây, có thể làm suy giảm nhiệt tình đóng góp của các tầng lớp nhân dân, các tổ chức kinh tế - xã hội vào các hoạt động cứu trợ và các quỹ từ thiện. Phải nói là tác hại của những sai phạm ấy là rất lớn.
Nhưng tôi tin rằng với tinh thần “thương người như thể thương thân” và niềm vào sự trong sạch và tận tụy của đa số cán bộ, người dân sẽ tiếp tục hưởng ứng các cuộc vận động cứu trợ đồng bào và sẽ thực hiện tốt vai trò giám sát để phát hiện và đấu tranh chống những hiện tượng tiêu cực.
Cả nước có khoảng 2,4 triệu hộ nghèo với trên 10 triệu nhân khẩu. Tết Kỷ Sửu, Thủ tướng quyết định hỗ trợ mỗi người nghèo 200.000 đồng, mỗi hộ không quá 1 triệu đồng. Ảnh: Hoàng Hà. |
- Để ngăn chặn những hành vi như trên, đồng thời để đồng tiền chính sách đến dân được nhanh nhất, đúng đối tượng nhất, theo ông cần có biện pháp gì?
- Cần nhất là sự minh bạch, công khai. Văn bản về hỗ trợ tiền của Chính phủ cũng như của các cấp chính quyền không chỉ nêu rõ đối tượng, mức hỗ trợ mà còn cần quy định rõ thời hạn cấp tiền về các địa phương, thời hạn trả tiền cho dân, trách nhiệm của các cấp chính quyền và những điều nghiêm cấm vi phạm. Các cuộc vận động quyên góp cũng cần công khai số tiền huy động được và kết quả chi hỗ trợ người dân từng địa phương.
Tuyệt đối tránh tình trạng lấy tiền huy động của dân chi quản lý phí, công tác phí, tổ chức những chuyến đi rầm rộ trao tiền hỗ trợ, thực chất là lạm dụng tiền nhân dân đóng góp hỗ trợ đồng bào gặp khó khăn. Tổ chức nào không có khả năng thực hiện quy định này thì không nên đứng ra huy động tiền hỗ trợ từ dân.
Các quỹ từ thiện cũng cần công khai, minh bạch việc sử dụng quỹ của mình theo quy định của pháp luật và điều lệ của quỹ. Tất cả thông tin trên cần được công bố trên báo chí và niêm yết công khai tại trụ sở chính quyền địa phương có người dân được hỗ trợ. Các cơ quan bảo vệ pháp luật cần tăng cường hoạt động để phát hiện và xử lý những trường hợp vi phạm nghiêm trọng.
- Quốc hội cần có động thái gì trước những hiện tượng tiêu cực mà báo chí đã phản ánh?
- Quốc hội vừa thông qua Luật Hoạt động chữ thập đỏ, trong đó có quy định về hoạt động nhân đạo của tổ chức này. Nhưng như nhiều đại biểu đã chỉ rõ, phạm vi điều chỉnh của luật còn hẹp. Quốc hội cần tiếp tục nghiên cứu để sớm ban hành một đạo luật điều chỉnh toàn bộ hoạt động từ thiện để hoạt động này phát triển lành mạnh, ngày càng đóng góp có hiệu quả hơn vào sự nghiệp an sinh xã hội.
Hồng Khánh thực hiện