Bộ Giao thông Vận tải vừa hoàn tất dự thảo Nghị định về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Nội dung của dự thảo Nghị định này có nhiều điểm mới so với những Nghị định trước đó về hình thức và mức xử phạt đối với hành vi vi phạm giao thông.
Theo ước tính của Bộ Công an hiện có 30-40% xe đang sử dụng được mua bán lòng vòng. Ảnh minh hoạ: Hoàng Hà. |
Theo đó, thay vì xử phạt một triệu đồng đổi với xe máy và 6 - 10 triệu đồng với ôtô không sang tên đổi chủ như Nghị định 71 thì dự thảo này đã hạ mức phạt xuống còn 100.000 nghìn đồng đến 4 triệu đồng.
Cụ thể, phạt tiền 100.000 - 200.000 đồng đối với cá nhân là chủ xe môtô, xe gắn máy; 200.000 - 400.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe môtô, xe gắn máy; phạt tiền 2 - 4 triệu đồng đối với cá nhân là chủ ôtô và các loại xe tương tự ôtô, 4 - 8 triệu đồng đối với tổ chức là chủ ôtô và các loại xe tương tự ôtô vi phạm một trong các hành vi sau đây: Không làm thủ tục chuyển đổi lại Giấy đăng ký xe theo quy định sau khi đã mua, được cho, được tặng, được thừa kế tài sản là phương tiện; Không mua hoặc nộp phí cho phương tiện khi tham gia giao thông theo quy định. Ngoài ra, người vi phạm buộc phải mua hoặc nộp phí theo quy định.
Trong khi, cuối năm 2012, quy định xử phạt xe không chính chủ đã khiến nhiều người băn khoăn về tính khả thi và Chính phủ đã yêu cầu tạm dừng phạt lỗi này trong lúc chờ thông tư hướng dẫn. "Khẳng định việc phạt lỗi không sang tên, đổi chủ là cần thiết nhưng các bộ thừa nhận, lực lượng chức năng khi xử lỗi này lại lệch sang truy cứu người điều khiển có phải là chủ phương tiện hay không", Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam nói.
Trong khi đó, bà Lê Thị Nga, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội cho rằng, Nghị định 71 về xe chính chủ còn sai luật và không khả thi, mức phạt quá cao đã làm cho người dân phản ứng cực đoan với chính sách của Nhà nước. Còn theo ông Lê Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp), việc bắt người dân phải chứng minh chiếc xe đang đi là xe mượn hay xe mua nhưng chưa sang tên đổi chủ là vô lý.
Gần đây, những vụ chống người thi hành công vụ thường xuyên xảy ra. |
Ngoài quy định về việc xử phạt xe không sang tên đổi chủ, dự thảo của Bộ Giao thông còn quy định, phạt 3 - 5 triệu đồng đối với những hành vi đe dọa, lăng mạ, xúc phạm danh dự hoặc chống lại người thi hành công vụ; xúi giục người khác không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ; sử dụng uy tín của cá nhân, tổ chức để gây áp lực, cản trở người thi hành công vụ; đưa tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác cho người thi hành công vụ để trốn tránh việc xử lý vi phạm hành chính.
Phạt tiền 1 - 2 triệu đồng đối với hành vi môi giới, tiếp tay, chỉ dẫn cho người điều khiển phương tiện trốn tránh việc kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ: có hành vi cản trở việc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ hoặc đưa hối lộ người thi hành công vụ. Ngoài việc phạt tiền, người vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung: tịch thu số tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác khi đưa hối lộ cho lực lượng làm nhiệm vụ; bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe 2 tháng. Người tổ chức đua ôtô, xe máy, xe đạp trái phép, chống người thi hành công vụ... sẽ bị phạt tiền 30 - 40 triệu đồng cộng tịch thu phương tiện.
Dự thảo Nghị định này sẽ thay thế Nghị định 34, 71, 44 và 156 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông trước đó của Chính phủ. Bộ Giao thông Vận tải xin ý kiến các bộ, ngành để sớm hoàn chỉnh dự thảo, trình Chính phủ vào tháng 5 và áp dụng từ ngày 1/7.
Bá Đô