Ít ai biết rằng, để có được ngày hôm nay, anh Trần Quốc Hoàn đã trải qua không ít hy sinh, vượt qua bao nỗi mất mát, đau thương.
Sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng ở Cam Chính, huyện Cam Lộ (Quảng Trị). Bố anh từng chiến đấu tại chiến trường Bình - Trị Thiên khói lửa. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, không may bố anh bị nhiễm chất độc hóa học.
Lúc sinh ra, anh cũng bình thường như bao người khác, thế nhưng sau một trận sốt thì hai chân từ mất cảm giác đến teo hẳn, không còn khả năng đi lại. Từ đó, Hoàn phải gánh trên mình nỗi đau cùng cực của chứng bệnh tật nguyền. Sống chung với bệnh tật, đau đớn, đối mặt giữa sự sống và cái chết Hoàn vẫn âm thầm nuôi dưỡng cho mình một ước vọng về ngày mai tươi sáng. Rồi nhờ sự động viên của gia đình, Hoàn lấy lại niềm tin, với hoài bão vượt lên chiến thắng bệnh tật để trở thành người có ích cho xã hội.
Thời thơ ấu nhìn bạn bè tung tăng cặp sách tới trường, Hoàn cũng thầm ước mình có được cái cảm giác lành lặn ấy. Nhưng đôi chân tật nguyền cứ mãi ngăn cản niềm ao ước nhỏ nhoi trong Hoàn. Không nản chí, Hoàn bảo bố mẹ cõng anh đến trường. Những năm tháng ấy vất vả trăm bề, nhưng anh không nản, quyết tâm học hành tử tế bù đắp công lao bố mẹ, bạn bè, hơn hết là anh muốn vượt lên số phận. Sau khi tốt nghiệp cấp 3, Hoàn quyết định không thi đại học, mà ở nhà mở một lớp học bồi dưỡng kiến thức cho những trẻ em nghèo ở xóm Chợ và xóm Vạn nơi gia đình sinh sống.
Mùa hè năm 2004, một lớp học nhỏ được dựng lên. Ban đầu anh chỉ nghĩ mở lớp cho một số em nâng cao kiến thức, nào ngờ chỉ một thời gian ngắn số lượng học sinh tìm đến ngày càng đông. Những học sinh tìm về với anh có cả những đứa trẻ nghèo mà một chữ bẻ đôi chưa biết và cả những em học giỏi nhưng không có điều kiện để được học thêm. Chúng là con của những gia đình vạn chài lênh đênh trên sông nước, trong số đó không ít trẻ đánh giày, ăn xin và mưu sinh trên đường phố. Có em bán vé số, em lượm ve chai, bán nước dạo, gia cảnh khó khăn nhưng ham học đều tìm đến thầy.
Thấy đứa trẻ nào bán vé số, đánh giày trên đường, Hoàn đều động viên chúng đến với mình. Như cá gặp nước, chúng hân hoan kéo nhau đến chật nhà anh xin được học chữ. Không phân biệt hay nề hà, anh nhận tất cả vào lớp với niềm phấn chấn lạ thường. Có thời điểm, căn nhà nhỏ bé của anh đón nhận 50 em. Việc làm của anh hoàn toàn tự nguyện, anh dạy miễn phí cho các em, không chờ đền đáp, bởi anh nghĩ "cuộc đời mình đã bị tật nguyền, nên giúp cho ai cái gì tốt cái đấy".
Lớp học của anh Trần Quốc Hoàn luôn dao động từ khoảng 15 đến 35 em từ lớp 1 đến lớp 4, hầu hết các em đều là trẻ em phải lao động sớm, không được học hành đến nơi đến chốn. Đến nay, anh đã dạy hơn 250 em học sinh...
Rời bước khỏi lớp học của anh Trần Quốc Hoàn, trong cái nắng oi nồng của một ngày đầu hạ, những tiếng trẻ bi bô học bài cứ níu bước chân người đi. Hình ảnh những học trò áo quần đen nhẻm, vá chằng chịt, tóc xơ xác bởi những bào mòn của bụi bặm đường phố, bởi những lo toan của một tuổi thơ vất vả và hình ảnh một ông thầy tật nguyền trên chiếc xe lăn cứ theo tôi suốt dọc đường về. Đơn sơ, giản dị thế thôi nhưng chính từ lớp học chật chội, không bảng, không phấn, chỉ hai dãy bàn ghế gỗ ấy, mà gần 10 năm qua đã có biết bao đứa trẻ bất hạnh được chắp cánh ước mơ trên con đường học vấn. Đó là điều khiến anh hạnh phúc nhất.
Những em học sinh đầu tiên của anh nay đã bước vào giảng đường đại học, hiện có rất nhiều học sinh bước ra từ cái nôi này đang theo học các trường đại học lớn như Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội, Đại học Ngoại giao, Đại học Giao thông - Vận tải. Trong đó có em Hoàng Thu Trang, nhờ lớp học tình thương của thầy Hoàn, đã vượt qua được những khó khăn của gia đình và mặc cảm nghèo khó, để vươn lên thực hiện ước mơ đèn sách của mình và trở thành sinh viên trường Đại học KHXH & NV TP HCM.
Ngoài việc làm dạy học nhân văn ấy, anh còn được biết đến là vận động viên khuyết tật nổi tiếng của tỉnh Quảng Trị. Sau khi vào đội tuyển thể dục thể thao dành cho người khuyết tật của thành phố Đông Hà, anh bắt đầu tham dự các hội thao của người khuyết tật trong toàn quốc. Năm 2007, lần đầu tiên tham gia hội thao toàn quốc nhưng anh đã tự tin ẵm về huy chương đồng cho đoàn Quảng Trị. Sau đó, anh tiếp tục tham dự nhiều giải đấu trong nước và khu vực, tiếp tục giành những giải thưởng đáng nể. Hiện anh sở hữu 12 huy chương vàng, 19 huy chương bạc và 8 huy chương đồng.
Trước khi ra về, nhìn lớp học "đặc biệt" này, tôi nghĩ hạnh phúc đã thực sự neo đậu và ngự trị trong ngôi nhà đơn sơ của thầy giáo tật nguyền ấy. Họ nhìn nhau khẽ nở một nụ cười trìu mến, ánh mắt reo vui, nơi đây, ở ngôi nhà này, có lẽ niềm tin yêu vào cuộc sống như ngọn lửa chưa bao giờ tắt.
* Độc giả gửi bài dự thi tại đây.
Cuộc thi "Viết nên điều kỳ diệu" do Báo điện tử VnExpress phối hợp với nhãn hàng Hura Deli - Công ty cổ phần Bibica tổ chức dành cho các công dân sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam. Nhân vật trong bài viết dự thi có cơ hội trở thành người Thụ hưởng Gameshow Vì bạn xứng đáng phát sóng vào 17-18h chủ nhật hàng tuần trên VTV3. |
Lê Thị Thu Thanh