- Gần đây, nhiều đoạn trên "Con đường Gốm sứ" bắt đầu xuất hiện các vết nứt ngang ở điểm nối giữa đoạn tường cũ và tường mới. Là chủ nhiệm dự án, chị giải thích sao về hiện tượng này?
- Khi đưa ra ý tưởng và bắt tay vào thực hiện dự án "Con đường Gốm sứ" tôi đã lường trước mình sẽ phải đối mặt với rất nhiều thử thách, khó khăn. Đầu tiên là sự thử thách của khí hậu nhiệt đới nóng ẩm vùng châu thổ sông Hồng. Bề mặt tranh gốm sẽ phải chịu những ngày nắng nóng đổ lửa, nhiệt độ lên tới hơn 40 độ C, còn ngày lạnh giá nhiệt độ xuống tới 5-7 độ C. Sự thay đổi thời tiết nóng lạnh sẽ tạo độ giãn nở không nhất quán giữa các chất liệu bê tông, tường gạch và tranh gốm.
Tường đê bê tông cũ có kích thước cao 1 mét ở tầng 1 và 60 cm ở tầng 2. Chúng tôi đã nâng cao thành đê thứ hai lên thêm 60 cm để tạo độ hoành tráng cho bức tranh gốm. Về tổng thể, bức tranh gốm đã hoàn thành chỉ cao 2,2 mét và chạy dài gần 4.000 mét.
Đơn vị thi công là Công ty Xây dựng và Ứng dụng công nghệ chống thấm Bách Khoa. Họ có nhiều kinh nghiệm trong công nghệ xây dựng các công trình ngoài trời sử dụng chất kết dính có độ đàn hồi giãn nở. Khi xây thêm phần tường mới, họ đã đổ giằng bê tông cốt thép kết cấu giữa tường gạch mới và đê bê tông cũ.
Một thử thách rất khắc nghiệt là bức tranh gốm nằm trên trục giao thông có lưu lượng ôtô xe máy ngày càng tăng, tạo nên lực rung mạnh. Vì vậy, một số đoạn trên đường Trần Quang Khải - nơi có mật độ giao thông cao - đã xảy ra hiện tượng nứt trên bề mặt tranh gốm. Những vết nứt này chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ trên tổng thể bức tranh, phải nhìn rất kỹ mới thấy và không có gì đáng lo ngại.
![Ảnh:](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2010/09/22/hoa-si-thuy-453852-1368799954.jpg?w=500&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=rEtwv8X_ErtD6Sik6WIm1Q)
Họa sĩ Nguyễn Thu Thủy tham gia thi công trên Con đường Gốm sứ. Ảnh: Thu Thủy.
- Vậy, để đảm bảo tính thẩm mỹ và chất lượng của bức tranh, việc khắc phục vết nứt được thực hiện ra sao?
- Chúng tôi hoàn toàn có thể khắc phục và tạo độ ổn định cho bức tranh. Trên bức tường thấp xây nối thêm, trung bình 8-10 mét có một khe chống rung tương ứng với các khe chống rung của tường đê bê tông cũ. Nhưng vì để giữ tính thẩm mỹ cho bức tranh, các nhóm thi công tranh gốm đã phủ kín các mảnh gốm nhỏ lên khe chống rung này. Đây là nguyên nhân gây ra vết nứt trên bề mặt tranh gốm.
Vì vậy chúng tôi khắc phục bằng cách dùng máy cắt khía các bức tranh gốm theo các rãnh chống rung. Còn ở những đoạn tường xây vồng lên, chúng tôi sẽ gia cố bằng cột trụ bê tông. Sau khi thực hiện các biện pháp này chắc chắn sẽ không xảy ra các hiện tượng nứt như vừa qua.
- Nhiều ý kiến cho rằng, bức tranh gốm nhìn từ xa thì rất đẹp nhưng lại gần thì thấy nhiều "sạn" và sẽ không bền, dễ bị bong tróc theo thời gian. Vậy quan điểm của chị?
- Về chất liệu gốm thì tôi hoàn toàn yên tâm. Đó là gốm phủ men màu được nung trên 1.200 độ C. Sau khi nung, màu men trở nên vĩnh cửu, có thể chịu được mưa nắng ngoài trời, không bị rêu mốc. Keo gắn gốm là chất keo Mova đặc biệt được sản xuất theo công nghệ dây chuyền của Đức, có thể gắn những phiến đá lớn trên bề mặt các công trình kiến trúc cao tầng.
Trước con mắt đánh giá của hàng triệu người, phải công nhận là có những đoạn rất đẹp nhưng cũng có những đoạn chưa được ưng ý. Theo quyết định của UBND TP Hà Nội, chúng tôi sẽ thực hiện giai đoạn III của dự án nhằm duy tu, bảo dưỡng, thay thế, sửa chữa công trình từ nay đến năm 2013. Dự án "Con đường Gốm sứ" vẫn đang trong quá trình triển khai thực hiện và ban quản lý dự án vẫn hoàn toàn chịu trách nhiệm về việc duy tu bảo dưỡng và xử lý các sự cố phát sinh.
![Ảnh:](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2010/09/22/tranh-gom-238219-1368799957.jpg?w=500&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=CjfjxRbCi6KJelppjCaG5Q)
Nguyên nhân gây ra vết nứt được khẳng định là do thời tiết và độ rung của đường. Ảnh: Tiến Dũng.
- Là người đưa ra ý tưởng và trực tiếp triển khai ý tưởng đó, chị cam kết thế nào về độ bền của công trình?
- Tôi xác định sẽ gắn danh dự và cả cuộc đời mình với đứa con tinh thần là "Con đường Gốm sứ". Nếu chỉ vì quá lo sợ những thách thức, những rủi ro có thể xảy ra, mà không dám làm, không dám thực hiện thì ước mơ sẽ mãi chỉ là ước mơ.
Khát vọng được tạo nên một món quà ý nghĩa chào đón Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội của tôi đã may mắn nhận được sự đồng thuận và ủng hộ của chính quyền thành phố, sự chung tay góp sức của các tổ chức, doanh nghiệp trong nước và quốc tế, sự cống hiến hết mình của tập thể các nghệ sĩ Việt Nam và quốc tế, sự hưởng ứng nhiệt tình của đông đảo các em thiếu nhi và công chúng, sự góp mặt của các làng gốm truyền thống từ Bắc vào Nam...
Chúng tôi rất tự hào khi nhận được nhiều lời khen ngợi và ủng hộ từ công chúng và giới truyền thông. Với trách nhiệm của người chủ nhiệm dự án, tôi xin cam kết rằng chúng tôi hoàn toàn có thể khắc phục được những vết nứt không đáng kể này trên "Con đường Gốm sứ".
- Chị nói gì khi không ít người cho rằng, việc chạy đua tiến độ để đạt kỷ lục Guinness chính là nguyên nhân khiến việc thi công không đảm bảo chất lượng và bức tranh tường lớn nhất thế giới bị rạn nứt?
- Ngay từ đầu năm 2007, khi viết dự án "Con đường Gốm sứ" để trình UBND TP Hà Nội phê duyệt, tôi đã đưa ra mục tiêu là thực hiện một bức tranh gắn gốm ngoài trời có thể đạt kỷ lục Guinness. Mong muốn của tôi là tạo nên một sự kiện văn hóa mang tầm quốc tế để bạn bè thế giới biết đến sự kiện Hà Nội kỷ niệm sinh nhật lần thứ 1000.
Tôi cũng hết sức nỗ lực quảng bá sự kiện kỷ niệm Đại lễ của Thủ đô thông qua việc mời các nghệ sĩ quốc tế từ nhiều quốc gia tới Hà Nội tham gia dự án. Đã có 15 nghệ sĩ quốc tế từ 10 quốc gia tham gia sáng tạo trên "Con đường Gốm sứ", để lại những dấu ấn nghệ thuật đương đại phong phú như món quà ý nghĩa dành tặng thủ đô Hà Nội...
Món quà chào mừng đại lễ này đã được chuẩn bị từ cách đây 4 năm và rất công phu, hoàn toàn không chạy đua vì một danh hiệu nào chỉ cố gắng tạo một sức lan tỏa rộng đến với mọi người bằng một thông điệp: "Hà Nội - thành phố của hòa bình và lòng nhân ái đang đón chào kỷ niệm sinh nhật lần thứ 1000".
![Ảnh:](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2010/09/22/hoa-si-tbnha-106489-1368799962.jpg?w=500&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=_KSUiImbCJ8VluhLNE7RHg)
Họa sĩ Tây Ban Nha Louis Lambert trực tiếp tham gia gắn gốm. Ảnh: Thu Thủy.
- Vậy khi nào "Con đường Gốm sứ" được Tổ chức Kỷ lục Guinness trao bằng chứng nhận?
- Ngày 5/10 tới, tổ chức Kỷ lục Guinness Thế giới ( Guinness World Record) sẽ có mặt tại buổi lễ khánh thành tổng thể Con đường Gốm sứ và trao bằng chứng nhận Bức tranh gắn gốm lớn nhất thế giới, nhân dịp Hà Nội tổ chức đại lễ kỷ niệm.
Con đường Gốm sứ dài gần 4.000 mét, với tổng diện tích là khoảng 7.000 m2. Bức tranh do 20 nghệ sĩ Việt Nam, 15 nghệ sĩ quốc tế, 50 sinh viên mỹ thuật, cùng 100 nghệ nhân và thợ thủ công từ các làng gốm. Trên bức tranh khổng lồ này có dấu ấn của các làng gốm Bát Tràng, Chu Đậu, Phù Lãng, Bình Dương, Đồng Nai, Vĩnh Long, Ninh Thuận... |
Tiến Dũng thực hiện