Nằm cách trung tâm Hà Nội chừng 15 km, xã Bình Minh (huyện Thanh Oai, Hà Nội) không khác gì các vùng quê Bắc Bộ khác. Dọc con đường quốc lộ 21B mờ mịt bụi chạy qua đây là phố chợ Bình Đà, nơi hơn chục năm trước từng sầm uất với các cửa hàng, đại lý pháo lớn nhất cả nước.
Hai dãy nhà dọc khu phố chợ đã chuyển qua buôn bán đủ thứ, hình thành một thị tứ nhỏ ở thôn quê. Hỏi thăm vài người, ngỏ ý tìm mua pháo, tất cả đều đưa ánh mắt dò xét rồi khẳng định, Bình Đà đã bỏ làm pháo từ lâu.
"Các anh cứ vào xóm Chua, hỏi Huấn ai cũng biết", một học sinh cấp 2 chỉ. Con đường làng ngoằn ngoèo từ ngoài quốc lộ vào nhà Huấn không hề gần. Hỏi thăm không dưới bốn lượt mới đến nơi.
![]() |
Mỗi bánh pháo chỉ dài 60 cm nhưng năng tới 1 kg. Hình thức và chất lượng đều đúng đặc trưng pháo Bình Đà. Ảnh: Nguyễn Hưng. |
Tiếp khách là một người đàn ông chừng 40 tuổi vừa xắn tay áo cuốc vườn, dáng người khá gầy gò. Thấy người lạ, Huấn không ngần ngại xưng tên, mời vào nhà, không hỏi lý do tìm gặp, chỉ kín đáo liếc biển số xe.
Bảo vợ ôm đứa con nhỏ ra ngoài, chủ nhà khép cánh cửa sổ trổ sang sân nhà hàng xóm. Căn nhà rộng, đầy đủ tiện nghi. Chưa nhấp xong ngụm nước, Huấn hỏi thẳng: "Các anh muốn mua hàng chứ gì?". Thấy khách đặt hàng chuyển về quê tiêu thụ với yêu cầu "pháo Bình Đà xịn" chứ không phải pháo Trung Quốc bán ở Bình Đà, Huấn nói như đinh đóng cột: "Tìm đến đây là đúng địa chỉ rồi đấy. Hàng của tôi đảm bảo chuẩn".
Huấn cho biết, hàng để ở nơi khác: "Nếu có nhu cầu tôi có thể bao giao hàng tận nơi. Tôi có đội xe ôm cắm quanh làng làm tai mắt, có động là lập tức "alô".
Huấn giao giá: Pháo bông từng cây lẻ giá 5.000 đồng; pháo tép bán từng hộp; pháo thăng thiên có hai loại, 19 và 36 quả, vuông vắn như hộp bánh, pháo cối to bằng bắp tay...
Loại được đặt hàng phổ biến năm nay là pháo dây dài 60 cm, mỗi quả to bằng ngón tay cái, mỗi bánh nặng tới 1 kg, giá bán lẻ 50.000 đồng, mua nhiều giảm 5.000-10.000 đồng. "Làm pháo bây giờ cũng như buôn ma túy, càng nguy hiểm, lợi nhuận càng nhiều. Một phi vụ trót lọt bằng đi chợ hàng tháng trời", Huấn nói.
![]() |
Nhiều nạn nhân của pháo nổ là các em học sinh. Ảnh: Nguyễn Hưng |
Sau khi nhận tiền đặt cọc, địa điểm nhận hàng mẫu được giao hẹn nằm ngay trên đường quốc lộ 21B, cách xa nhà Huấn gần 2 km. Xung quanh cực kỳ trống trải. Chờ gần 20 phút, Huấn quay lại. Vẫn ngồi nguyên trên xe, gã trao một túi bóng màu đen.
"Xem hàng nhanh", Huấn nói nhỏ. Bên trong túi, 4 bánh pháo được bọc giấy báo. Đít mỗi quả được đổ xi măng theo đúng phong cách pháo Bình Đà, vết xi măng còn mới. Huấn rồ ga phóng xe đi ngay, hẹn ngày lấy hàng.
Theo tìm hiểu của VnExpress.net, việc sản xuất, cất giữ và buôn bán của những hộ làm pháo lậu ở Bình Đà như Huấn "Móm"đều cực kỳ kín đáo. Ngoài xã Bình Minh, hai xã bên cạnh là Thanh Cao và Cao Viên cũng có các đầu nậu và xưởng làm pháo.
Quy trình làm pháo rất nghiêm ngặt. Hằng năm, vỏ pháo được làm ngay sau Tết Nguyên đán. Các hóa chất gây nổ (thuốc pháo) được mua lẻ, lúc có mối hàng mới pha trộn theo đúng tỷ lệ rồi cho vào vỏ (vào thuốc). Sau đó lập tức giao hàng, tránh tối đa việc cất trữ lâu trong kho. Tất cả nhằm phòng trường hợp bị cảnh sát "đánh úp".
Xưởng sản xuất một nơi, giao dịch một nơi, nhận hàng lại ở một chỗ khác, người mua khó biết đích xác xưởng sản xuất nằm ở đâu. Theo một số đầu nậu, nghề làm pháo ở Bình Đà vẫn âm thầm tồn tại như thế.
Năm 1995 Việt Nam bắt đầu cấm đốt pháo nổ. Việc đốt pháo những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước thực sự là đại họa. Ngoài việc cướp đi sinh mạng hàng chục người mỗi năm, pháo đốt tràn lan vào dịp Tết còn biến tướng thành hình thức ganh đua, lãng phí hàng tỷ đồng... Nghề pháo ở Bình Đã nổi tiếng từ cách đây hàng trăm năm. Vào giai đoạn cực thịnh, trong làng, nhà nhà làm pháo, người người làm pháo, từ đứa bé 4-5 tuổi đến những người già ngoài 70 đều có thể làm pháo thuần thục. Nghề phát triển đến nỗi, 2 xã bên cạnh là Cao Viên và Thanh Cao cũng bỏ hết đồng ruộng, chuyển qua làm pháo. Tuy mang lại nguồn thu lớn cho địa phương, nghề pháo cũng để lại hậu quả nặng nề với những cái chết thương tâm cũng như để lại nhiều thương tật vĩnh viễn cho người dân địa phương. |
Nguyễn Hưng
* Tên nhân vật đã thay đổi