Cửa ngõ phía Đông thành phố, tuyến Xô Viết Nghệ Tĩnh - con đường nối thẳng từ trung tâm thành phố tới Bình Triệu (quận Bình Thạnh) ra quốc lộ 13 đi Bình Dương chiều 21/10 chứng kiến cảnh tượng quen thuộc: xe lớn, nhỏ chen chúc qua các phần đường hẹp. Từng đoàn xe gắn máy chen lên lề để thoát thân.
"Tôi thường xuyên đi qua đây, không chỉ riêng cao điểm chiều mà trưa cũng tắc y như vậy.Thật không thể hiểu nổi. ", anh Phan Hùng Trí ở quận Bình Thạnh ngán ngẩm cho biết.
Đường Xô Viết Nghệ Tĩnh chiều 21/10. Ảnh: Kiên Cường |
Giao thông hướng Tây Bắc TP HCM cũng rối tung. Thường ngày người dân vẫn chọn con đường Cách mạng tháng 8 nối từ quận 3 đến đường Trường Chinh, quận Tân Bình, để đi một mạch về Tây Ninh, nhưng thời gian gần đây không ai bảo ai đều đổ dồn qua đường Cộng Hòa song song.
5h30 chiều 21/10, nút giao Cách mạng tháng 8 - Tân Sơn Nhì các phương tiện chạy hỗn loạn, 3 cảnh sát giao thông toát mồ hôi mới giải tỏa nổi. Đường Nguyễn Văn Trỗi - Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 3 - cửa ngõ hàng không của thành phố - thì nổi tiếng bởi tốc độ di chuyển chậm hơn... đi xe đạp.
Để đi một đoạn chưa đầy 3 km trên con đường này phải mất đến hơn nửa tiếng đồng hồ, nhiều người né bằng cách tránh qua đường song song Hoàng Văn Thụ nhưng cũng không khá hơn. Xa lộ Hà Nội (tuyến quan trọng từ Bắc vào Nam), tình trạng ùn tắc giao thông cũng tương tự.
Theo các chuyên gia đánh giá, tình trạng ùn tắc lan rộng từ nội đô đến cửa ngõ thành phố có nguyên nhân chính từ các lô cốt đầy rẫy trên đường.
Chỉ chưa đầy một quãng ngắn gần 1 km từ Ngã tư Hàng Xanh theo hướng về bến xe Đông có đến 4-5 lô cốt lớn nhỏ của công trình Dự án Vệ sinh môi trường thành phố gói thầu 12B án ngữ. Không gian chừng hơn 1 m còn sót lại đương nhiên không đủ cho khối lượng lớn phương tiện đổ dồn về, đường Xô Viết Nghệ Tĩnh bị bóp nghẹt.
Sự chây ỳ của các lô cốt thuộc dự án Vệ sinh môi trường trên tuyến đường này được thể hiện rõ nét khi có rào chắn ghi thời gian hoàn thành là 25/9 nhưng đến nay vẫn "trơ trơ".
Tương tự, cửa ngõ Tây Bắc bị "nêm chặt" vì đoạn đường Cách mạng tháng 8 giao lộ từ Âu Cơ đến Tân Sơn Nhì có hai "pháo đài" vững chắc mỗi cái dài gần 100 m án ngữ. Các lô cốt trên đường Nguyễn Văn Trỗi từ đầu năm là "lá cờ đầu" trong việc thi công chây ỳ.
Bên cạnh đó, dù không phải do đào đường nhưng xa lộ Hà Nội kẹt xe vẫn diễn ra hằng ngày trước Khu du lịch Suối Tiên, tình trạng xe vào xe ra, người người đi bộ tràn xuống xa lộ làm giới tài xế đường dài mỗi lần đi qua đây đều không khỏi ngán ngẩm.
Đường Cộng Hòa - tuyến quan trọng đi Tây Ninh lúc 5h30 chiều 21/10. Ảnh: Kiên Cường |
Cửa ngõ đi các tỉnh miền Tây cũng được thông báo "nóng" từ ngày 25/10. Cụ thể, để phục vụ việc xây mới cầu ông Buông 2 trên đường Hồng Bàng (quận 6), Sở Giao thông vận tải sẽ cấm mọi phương tiện lưu thông qua cầu Ông Buông 2 hiện hữu và dồn tất cả về cầu Ông Buông 1. Việc xây cầu mới đương nhiên làm tắc nghẽn giao thông tuyến xương sống này từ nay đến cuối tháng 6/2009.
Trước hiện trạng trên, nhiều ý kiến cho rằng trách nhiệm "chính" thuộc về các cơ quan chức năng đặc biệt là Sở Giao thông vận tải khi vẫn "buông lỏng" quản lý, mặc cho lô cốt thi công "rùa bò" cùng hàng loạt các vi phạm khác.
"Ở các nước khác như Thái Lan, việc đào đường diễn ra vô cùng hối hả cấp bách, kể cả ngày đêm chứ không như ở TP HCM", Trưởng phòng nghiên cứu phát triển đô thị Viện nghiên cứu phát triển thành phố Dư Phước Tân cho biết.
Phát biểu trong cuộc họp giám sát của Ban Văn Hóa xã hội Hội đồng nhân dân (HĐND) về thực hiện nếp sống văn minh đô thị tại Sở Giao thông vận tải ngày 21/10, đại biểu Tăng Cẩm Vinh nên thực tế, có nơi rào chắn rồi chỉ để vật liệu xây dựng, Sở Giao thông quy định rất rõ thời gian hoàn thành nhưng ngay hôm sau là có thể bôi xóa ghi lại ngày khác, việc tái lập mặt đường cả trong hẻm cũng hết sức nham nhở.
Bà Nguyễn Thị Bạch Yến, Trưởng ban văn hóa xã hội HĐND đúc kết: "Chính do xử lý chưa đủ mạnh, lực lượng thanh tra mỏng, còn thả nổi trong việc siết các nhà thầu chây ỳ nên nhiều người dân còn bức xúc với vấn nạn đào đường như hiện nay".
Giải thích về vấn đề này, ông Trần Quang Phượng, Giám đốc Sở Giao thông vận tải cho rằng, hiện nay công tác đốc thúc thi công 3 ca chỉ dừng ở mức độ "thuyết phục" với nhà thầu trong nước, còn đơn vị nước ngoài thì "chào thua" do họ giải thích chưa hết thời hạn thi công thì không có quyền phạt hay yêu cầu làm nhanh hơn.
Kiên Cường