Câu 1.
- Nội dung câu nói của Huấn Cao:
+ Huấn Cao khuyên quản ngục thay đổi công việc và chốn ở, rời xa khỏi nhà ngục cùng cái nghề coi ngục để giữ "đời lương thiện", "giữ được thiên lương cho lành vững".
+ Cái đẹp, cái cao khiết không thể cùng tồn tại với cái ác, cái xấu xa nhơ bẩn. Con người chỉ xứng đáng được thưởng thức cái đẹp khi từ bỏ bóng tối, dám đứng lên đấu tranh chống lại cái xấu, cái ác.
- Ý nghĩa câu trả lời của quản ngục: "Kẻ mê muội này xin bái lĩnh."
+ Thể hiện sự kính trọng, quy phục trước vẻ đẹp nhân cách, tài năng của Huấn Cao.
+ Cái cúi đầu của ngục quan là cái cúi đầu trước cái đẹp, cái cao cả. Nó không làm cho con người ta nhỏ bé, thấp kém đi mà ngược lại, càng tôn nổi vẻ đẹp nhân cách của mỗi người (cả kẻ xin chữ và người cho chữ).
+ Câu nói của quản ngục đánh dấu sự toàn thắng của cái đẹp, cái thiện, của ánh sáng và thiên lương trước cái xấu, cái ác, bóng tối và tội ác. Một cái kết thể hiện khuynh hướng lãng mạn và lý tưởng hóa của Nguyễn Tuân.
Câu 2.
1. Giải thích vấn đề
- Giải thích các khái niệm:
+ Nghề nghiệp: công việc chính mang lại nguồn thu nhập, lợi ích (vật chất và tinh thần) cho mỗi cá nhân và đóng góp vào sự phát triển chung của xã hội.
+ Sự cao quý: sự ghi nhận, trân trọng, tôn vinh đối với giá trị, thành quả tốt đẹp do con người mang lại.
- Nội dung vấn đề cần nghị luận: Mối quan hệ giữa con người và nghề nghiệp họ làm: Nghề nghiệp không tạo nên giá trị, sự tôn trọng dành cho người làm nghề ấy mà ngược lại, chính những con người say mê, tận tụy và hết mình với công việc đã tạo nên ý nghĩa và giá trị cho nghề nghiệp đó.
2. Bình luận
- "Nghề nghiệp không làm nên sự cao quý cho con người" bởi lẽ:
+ Nghề nghiệp chỉ là phương tiện, là cách thức để con người đạt được những mục tiêu của mình trong cuộc sống. Cái làm nên "sự cao quý của con người" là ở những mục đích cao đẹp, những thành quả tốt đẹp mà người đó đạt được, ở những đóng góp quý giá của người đó dành cho cộng đồng xã hội.
+ Có những nghề thu hút được nhiều cá nhân tài năng, tạo ra được nhiều giá trị cho xã hội, đi tiên phong trong thời kì mới, phù hợp với nhu cầu phát triển của thời đại. Những nghề ấy sẽ tạo điều kiện cho những người làm nghề có được cơ hội và phương tiện để có cuộc sống sung túc và đóng góp nhiều cho cộng đồng nhưng điều đó chỉ đúng khi mỗi người thực sự chăm chỉ, nỗ lực và hết lòng với nghề.
+ Không có nghề nghiệp nào là thấp hèn. Mỗi người bằng sức lao động chân chính, hợp pháp của mình xây dựng cuộc sống hạnh phúc cho cá nhân và cộng đồng thì nghề nghiệp nào cũng là chính đáng và cao quý.
==> Ngạn ngữ phương Tây có câu: "Chiếc áo khoác không làm nên ông thầy tu". Nghề nghiệp không quyết định sự cao quý, giá trị của một con người.
- "Chính con người mới làm nên sự cao quý cho nghề nghiệp".
+ Con người là chủ thể thực hiện mọi công việc, sáng tạo nên các nghề và cũng là đích đến cuối cùng của mọi nghề nghiệp trên thế gian: phục vụ cho cuộc sống con người.
+ Những người lao động chân chính, bằng sức lao động và sự sáng tạo của mình, bằng nỗ lực và sự tâm huyết với nghề nghiệp mình đã chọn đã làm vinh dự cho nghề nghiệp của họ, đóng góp cho sự phát triển của xã hội.
+ Lại có những kẻ, làm những nghề được cả xã hội tôn vinh, trân trọng, lại có những hành động, việc làm không xứng đáng với thiên chức cao quý mà xã hội giao phó, kì vọng. Đó là những kẻ đã bôi xấu, hủy hoại hình ảnh tốt đẹp của nghề nghiệp mình.
==> Mỗi người lao động, bằng chính sự nỗ lực, bền bỉ, sáng tạo của mình, đã hàng ngày, hàng giờ tạo nên những giá trị, những thành quả cho toàn xã hội, làm vinh dự cho bản thân và nghề nghiệp mà họ theo đuổi.
3. Bài học
- Hiểu rõ mối quan hệ giữa nghề nghiệp và người làm nghề để không có sự kì thị, phân biệt, thành kiến với các nghề nghiệp khác nhau trong xã hội.
- Có định hướng rõ ràng, đúng đắn trong việc lựa chọn nghề nghiệp cho tương lai, vừa phù hợp với xu thế phát triển của thời đại để đóng góp nhiều hơn cho đất nước, vừa tạo điều kiện thực hiện sở thích, đam mê, phát huy năng khiếu, sở trường của bản thân và phát triển toàn diện cá nhân.
Câu 3. (Chương trình Chuẩn)
1. Giới thiệu tác giả, tác phẩm, vị trí đoạn trích (đoạn trích gồm 15 câu, nằm ở phần ba trong đoạn trích Đất Nước, thể hiện tư tưởng chủ đạo của tác phẩm: Đất Nước của nhân dân.)
2. Về nội dung:
- Chủ nhân đích thực của Đất Nước chính là nhân dân.
+ Nhân dân không phải là một khái niệm trừu tượng, mơ hồ mà là những gương mặt cụ thể, gần gũi thân quen, là những "người con gái, con trai" "giống ta lứa tuổi".
+ Nhân dân đông đảo ("biết bao người"), người người, lớp lớp tạo thành sợi dây nối liền quá khứ, lịch sử với hiện tại ("bốn nghìn lớp người").
+ Nhân dân bình dị, vô danh: họ "sống và chết - Giản dị và bình tâm", không để lại một dòng tên, một khuôn mặt hình hài cụ thể trong những trang chính sử.
+ Nhân dân là chủ nhân đích thực của Đất Nước, là người đã "làm nên Đất Nước".
- Nhân dân, bằng chính sức lao động, tình yêu thương của mình đã dựng xây đất nước.
+ Nhân dân trao truyền lại những của cải vật chất hữu hình để thế hệ sau kế thừa, phát triển: "hạt lúa ta trồng", "đắp đập, be bờ".
+ Nhân dân truyền và giữ ngọn lửa của tình yêu thương, đùm bọc, của tinh thần đoàn kết, sẻ chia, của truyền thống yêu nước, nhân ái.
+ Bằng tình yêu thương và ý thức sâu sắc về nền văn hóa, về cội nguồn dân tộc, nhân dân còn trao truyền cho các thế hệ sau những giá trị vô hình: "giọng nói", "tên xã, tên làng". Đó là những giá trị văn hóa vững bền tạo nên bản sắc và sức mạnh cố kết cả cộng đồng.
- Nhân dân là lực lượng trực tiếp giữ gìn Đất Nước. Họ là những người trực tiếp cầm vũ khí chiến đấu, đánh bại mọi thế lực ngoại bang, nội thù.
==> "Đất Nước này là Đất Nước Nhân dân"
2. Đặc sắc nghệ thuật
- Thể thơ tự do với giọng điệu biến đổi linh hoạt, khi thì thủ thỉ tâm tình, lúc trang nghiêm, trầm lắng diễn tả những cảm xúc, suy tư sâu sắc của nhà thơ về nhân dân, về Đất Nước.
- Thủ pháp điệp trên nhiều cấp độ (điệp từ "họ", điệp cấu trúc "Có ngoại xâm ... Có nội thù ...") tạo cho đoạn thơ cảm giác liền mạch, điệp trùng diễn tả sức mạnh, công lao, sự đóng góp to lớn của nhân dân đối với quá trình xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
- Những hình ảnh giản dị, chân thực mà giàu ý nghĩa biểu tượng: hạt lúa, hòn than, giọng nói, tên xã, tên làng ...
- Ngôn ngữ thơ gần gũi, giản dị như những lời tâm sự chân thành, xúc động.
Câu 3. (Chương trình Nâng cao)
1. Giới thiệu tác giả, tác phẩm, vấn đề cần phân tích.
2. Phân tích nhân vật người đàn bà hàng chài
Trong tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa của nhà văn Nguyễn Minh Châu, nhân vật để lại ấn tượng sâu sắc nhất cho người đọc là người đàn bà hàng chài - người phụ nữ vô danh với tấm lòng bao dung, vị tha, đức hi sinh cao thượng mà khiến khi gấp trang sách lại ta không thể nào quên.
- Tên gọi: xuyên suốt toàn bộ câu chuyện, người đọc không hề được biết đến tên gọi của người đàn bà tội nghiệp ấy. Nhà văn đã gọi nhân vật của mình một cách phiếm định: khi thì gọi là người đàn bà hàng chài, lúc lại gọi mụ, khi thì gọi chị ta.... Không phải nhà văn "nghèo" ngôn ngữ đến độ không thể đặt cho chị một cái tên mà là vì chị cũng giống như hàng trăm người đàn bà ở vùng biển nhỏ bé này: chị là người - vô - danh. Một con người bình thường đến tầm thường như bao nhiêu người phụ nữ khác, nhưng ẩn chứa đằng sau đó là cả một số phận bất hạnh với nghịch cảnh éo le và thẳm sâu trong tâm hồn chị là những phẩm chất cao quý.
- Ngoại hình: trạc ngoài 40, hình dáng thô kệch, rỗ mặt, khuôn mặt mệt mỏi, tái ngắt sau một đêm thức trắng kéo lưới. Đó là hình ảnh một người đàn bà xấu xí với những đường nét thô kệch và dáng vẻ luôn mệt mỏi vì những nhọc nhằn, lam lũ, vất vả, khổ đau trong cuộc sống.
- Số phận bất hạnh với nghịch cảnh éo le
Dường như mọi sự bất hạnh của cuộc đời đều trút cả lên chị, xấu, nghèo khổ, lam lũ, lại phải thường xuyên chịu những trận đòn roi của người chồng vũ phu, tổn thương, đau xót cho các con phải nhìn cảnh bố đánh mẹ...
+ Cái xấu đã đeo đuổi chị như định mệnh, suốt từ khi còn nhỏ.
+ Có mang với một anh hàng chài, đến mua bả về đan lưới, rồi thành vợ chồng. Cuộc sống mưu sinh trên biển cực nhọc, vất vả, lam lũ, bấp bênh.
+ Gia đình nghèo lại còn đông con, thuyền thì chật,...
+ Bị chồng thường xuyên đánh đập, hành hạ: ba ngày một trận nhẹ, năm ngày một trận nặng. Cứ khi nào lão thấy khổ quá là lại xách chị ra đánh, như là để trút giận, như đánh một con thú, với lời lẽ cay độc "Mày chết đi cho ông nhờ, chúng mày chết hết đi cho ông nhờ". Khi bị đánh chị không hề kêu một tiếng, không chống trả, không tìm cách chạy trốn mà coi đó là một lẽ đương nhiên. Người đàn bà ấy nhẫn nhục, cam chịu, thầm lặng chịu đựng mọi đau đớn tất cả vì những đứa con.
==> Số phận đầy bi kịch được tác giả tái hiện đầy cảm thông và chia sẻ với tấm lòng "trĩu nặng tình thương".
- Phẩm chất, tính cách:
+ Nhẫn nhục, chịu đựng: chị coi việc mình bị đánh đó như một phần đã rất quen thuộc của cuộc đời mình, chị chấp nhận, không kêu van, không trốn chạy. Khi được đề nghị giúp đỡ thì: "Quý tòa bắt tội con cũng được, phạt tù con cũng được nhưng đừng bắt con bỏ nó". Chị hiểu cơ cực của của cuộc sống mưu sinh trên biển không có người đàn ông. Với con mắt "cận nhân tình", quan sát và miêu tả hiện thực một cách nghiêm cẩn thì nhà văn mới nhận ra nỗi cơ cực, nhọc nhằn của con người khi phải vật lộn với cuộc mưu sinh.
+ Yêu thương con tha thiết: Nguyên nhân sâu xa của sự cam chịu chính là tình thương con vô bờ bến của chị. Sự cần thiết của việc có người đàn ông làm chỗ dựa, để chèo chống khi phong ba bão táp, cùng nuôi dạy các con. Hiện thực cuộc sống ấy được chị giải thích một cách giản dị mà sâu sắc: " Đàn bà trên thuyền chúng tôi phải sống cho con, không thể sống cho mình như trên đất được". Để con khỏi phải chứng kiến và chịu đựng cảnh tượng bạo hành của người cha, cũng để nuôi giữ cho con một tâm hồn trong sáng, đôn hậu, biết yêu quý cha mẹ (chứ không phải là hận thù), chị đã dằn lòng gửi đứa con trai lên bờ như một giải pháp để bảo vệ thằng bé.
+ Người đàn bà vị tha: Trong khổ đau triền miên, người đàn bà ấy vẫn chắt lọc được những niềm hạnh phúc nhỏ nhoi: niềm vui khi thấy các con được ăn no, khi cả gia đình hòa thuận, yên ấm trên chiếc thuyền nan. Chị không căm giận, thù ghét người chồng mà ngược lại, còn thấy thương xót cho cuộc đời tăm tối, cực khổ của người đàn ông đã gắn bó đời mình với cuộc đời chị.
+ Người đàn bà thất học nhưng lại rất sắc sảo, thấu hiểu lẽ đời:
Chị ý thức được thiên chức của người phụ nữ ("Ông trời sinh ra người đàn bà là để đẻ con và nuôi con cho đến khi khôn lớn"). Vì hoàn cảnh mưu sinh đầy cam go, sự cam chịu, nhẫn nhục của chị là đáng cảm thông, chia sẻ bởi nhìn vấn đề một cách thấu suốt thì suy nghĩ và cách xử sự của chị là không thể khác được.
Đằng sau sự nhẫn nhục ấy là bản năng sinh tồn mãnh liệt và một tấm lòng yêu thương cùng đức hi sinh vô hạn. Người đàn bà hàng chài vừa lam lũ, chất phác, có tình thương con vô bờ bến, vừa luôn mang nỗi đau, vừa có cái thâm trầm trong việc thấu hiểu các lẽ đời.
Thấp thoáng trong người đàn bà ấy là bóng dáng của biết bao phụ nữ Việt Nam nhân hậu, bao dung, giàu lòng vị tha và đức hi sinh.
==> Phải là con người có cái nhìn thấu thị và trĩu nặng tình yêu thương đối với con người mới có thể nhận ra những góc khuất của đời sống, của con người, phát hiện và trân trọng những nét phẩm chất tốt đẹp bên trong hình hài tiều tụy, vẻ ngoài lặng câm, nhẫn nhục, cam chịu. Đó là biểu hiện sâu sắc của chủ nghĩa hiện thực và chủ nghĩa nhân đạo trong các tác phẩm của Nguyễn Minh Châu, "người mở đường tài năng và tinh anh" của sự nghiệp đổi mới văn học Việt Nam.