Mỗi khi xe xịch đỗ, 3-4 thanh niên phanh áo khoác lao lên chen lấn. Vừa đẩy khách, chúng vừa trổ nghề "2 ngón".
Lẫn trong nhiều hành khách này là những tên chuyên nghề "2 ngón" (dấu X). Ảnh: K.C. |
Sau khi vớ được đồ của vị khách đang mải miết chen lấn, người mặc áo gió màu đen vội lảng ra chỗ khác.Một thanh niên cụt 3 ngón cũng lánh sang bên đứng đợi. Tại điểm hẹn, "chiến lợi phẩm" được vội vã dúi vào tay nhau. Xong việc, hai người đi về hai phía, không nói lời nào.
Theo điều tra của VnExpress, bến trung chuyển xe buýt Cầu Giấy, Long Biên và các tuyến Phùng, Trôi, Nhổn, Giáp Bát hiện là điểm nóng thường xuyên xảy ra mất cắp.
Nhóm ở Cầu Giấy có chừng chục tên hoạt động theo từng đôi tại điểm trung chuyển trước cổng ĐH Giao thông Vận tải. Ngoài ba tên luôn lờ đờ do thiếu thuốc, những đạo chích còn lại có vẻ ngoài trông rất thư sinh. Thậm chí, tên có bàn tay phải cụt 3 ngón còn để đầu chẻ ngôi bóng mượt.
Tại Nhổn (ĐH Công nghiệp Hà Nội) nhóm đạo chích gồm từ 5- 7 tên chủ yếu hoạt động trên tuyến xe buýt 32, 20... Do đây là khu vực có nhiều sinh viên nên trang phục của những đạo chích chuyên nghiệp này cũng khá lịch sự: mặc áo sơ mi, đi giày da, đeo túi đựng máy tính; thậm chí mặc comple, thắt caravat...
16h40, chiều 13/2, trong một quán nước ở bến Nhổn, 5 thanh niên thì thầm nói chuyện, mắt không quên nhìn quanh. Khi xe 32 chuẩn bị rời bến, 2 người ngồi lại quán còn 3 người vội nhảy lên xe.
Đặc điểm nhận dạng bọn móc túi: |
- Đội mũ lưỡi trai, vắt áo ở tay phải để dễ hoạt động, đeo cặp như sinh viên nhưng lại để trước bụng, thường đứng ở cửa xuống và khi có người lại gần là chăm chăm nhìn để tìm chỗ sơ hở. |
Xe vắng, 3 người chọn ngồi ở ngay dãy ghế gần cửa ra vào rồi bỏ báo ra đọc, mắt vẫn không ngừng đảo mỗi khi có khách. Điều lạ là phụ xe không yêu cầu họ mua vé hay kiểm tra vé tháng. Đến điểm trung chuyển Cầu Giấy, người lên đông, 3 thanh niên đứng cả dậy, bám sát cửa xuống.
Sau khi liếc vội người phụ nữ đang gồng mình xách hai túi hành lý ra cửa, người mặc comple khoác áo choàng rộng vội áp sát. Núp sau vạt áo choàng rộng, cánh tay người này mặc sức hoạt động.
Trong khi đó, người mặc áo gió đeo túi đựng máy tính trước bụng cũng tiến sát phía sau một người đàn ông trung niên. Bàn tay để dưới chiếc cặp cũng đã đặt sẵn ở cửa túi hậu nơi có chiếc ví căng phồng. Tuy nhiên, vị khách phát hiện ra ý đồ chôm chỉa nên rút ví để vào túi ngực. Xe chuyển bánh, đến điểm đỗ kế tiếp, tên trộm bước xuống.
Tại bến xe Long Biên, lượng khách ngoại tỉnh đổ về tăng vọt sau kỳ nghỉ Tết
. Thấp thoáng trong những quán nước quanh đó là gần chục con người vô hồn, mắt trắng dã, da đen sạm, ngồi gật gù trên tay là điếu thuốc đang cháy dở.Theo lời một số người dân xung quanh, bọn đạo chích nơi đây thường hoạt động theo nhóm 2-3 người với thủ đoạn giả làm xe ôm. Thấy khách, chúng liền xúm đến. Một tên cao to áp sát, dùng mọi biện pháp chào mời, thậm chí, còn dọa nạt để đánh lạc sự chú ý của khách. Khi khách đang mải đối phó, một tên khác liền sáp tới, che nón và nhẹ nhàng thò tay chôm đồ rồi chuồn thẳng.
Xe buýt Hà Nội - Bắc Giang vừa vào bến đổ khách. Đang xách đồ, như phát hiện ra điều gì, người đàn ông ngoại tứ tuần vội đặt phịch chiếc 2 túi xuống đất, hớt hải sờ khắp các túi rồi nói lớn: "Mất hết tiền rồi!" Mọi con mắt đang sốt ruột chờ xe buýt đổ dồn cả vào người này với vẻ cảm thông.
Hai tên đạo chích ở bến Cầu Giấy dúi cho nhau món đồ vừa chôm được. Ảnh: K.C. |
Một thanh niên đứng cách đó vài mét lúc này mới khẽ lên tiếng: "Hai đứa mời đi xe ôm chính là móc túi đấy. Em nhìn thấy từ đầu nhưng chẳng dám nói, sợ chúng trả thù".
Còn bà lão bán nước có gương mặt phúc hậu ngồi gần đó thì nháy mắt: "Cẩn thận! Để cái ba lô kia vào cạnh chân đi. Ngày nào ở đây chẳng có cả chục người mất đồ".
Theo tìm hiểu của phóng viên, sau mỗi phi vụ như vậy, bọn lưu manh lại trở về các quán cóc cạnh đó chia nhau "chiến lợi phẩm" hoặc lẻn vào khu gầm cầu chích vài liều trước khi tiếp tục "tác nghiệp".
Một số người đi xe buýt vé tháng cho biết, họ nhẵn mặt những tên đạo chích và nhiều lần chứng kiến cảnh móc túi nhưng không dám lên tiếng.
Một sinh viên ĐH Công nghiệp Hà Nội (giấu tên) cho biết, từng là nạn nhân của bọn móc túi trên tuyến 32. "Năm trước, em được bố tặng sinh nhật chiếc điện thoại N72 mới tinh. Vừa dùng được hai ngày, thì đã bị móc mất. Dù biết rõ mấy tên ăn trộm hay xuất hiện trên xe nhưng cũng chẳng dám làm gì".
Thường xuyên trở thành nạn nhân của bọn đạo chích trên xe buýt tuyến 32 nên sinh viên ĐH Công nghiệp Hà Nội đã lập diễn đàn để trao đổi thông tin hoạt động, đặc điểm nhận dạng cũng như cách đối phó.
Tuy nhiên, sau nhiều tháng, tình hình chẳng mấy cải thiện, có sinh viên đã viết: "Nếu tình cờ thấy kẻ đạo chích đang móc túi một người lạ, bạn sẽ làm gì? Không lẽ khi ấy lại ngồi yên coi như là không biết, không liên quan đến mình?".
Theo một phụ xe buýt tuyến 32, ngày nào bọn móc túi cũng có mặt trên xe, đặc biệt là vào thời điểm chiều tối, khi lượng khách đông. "Bọn này không những không mua vé mà còn nói thẳng: "Lên làm ăn". Mình biết rõ nhưng chẳng thể làm gì bởi nếu nói, về đến Nhổn chúng lại đập vỡ kính hoặc đâm kim tiêm vào người thì chết", người đàn ông dáng vạm vỡ này nói.
Khánh Chi
* Kỳ tiếp theo: Các cơ quan chức năng nói gì?
Ý kiến độc giả
Người gửi: Thanh Dũng
Tôi đọc bài báo đúng hôm ở chỗ tôi có một người bị mất gần 700.000 đồng khi đi xe buýt tuyến 32. Mong cơ quan chức năng nhanh chóng ra tay để giúp những người đi xe buýt an tâm.
Người gửi: Hạnh
Một lần bạn tôi chứng kiến một vụ móc túi tại điểm đón xe buýt trước cửa ĐH Giao thông vận tải, bạn tôi vô tình hô lên và nạn nhân được giải thoát. Tuy nhiên sau đó bọn móc túi đã quay lại đe dọa. Tôi thật sự lo lắng nhưng rất khâm phục. Nếu tất cả chúng ta đều không có tâm lý sợ bọn chúng thì tình hình móc túi sẽ giảm đi rất nhiều.
Người gửi: Hiền
Tôi từng nghe qua và chứng kiến điều này khi còn là sinh viên học tại Hà Nội. Tôi nghĩ tại sao một vấn đề tồn tại lâu như thế mà các cấp chính quyền không có biện pháp để triệt phá hoặc chí ít là hạn chế. Cuộc sống sẽ rất khó khăn đối với những sinh viên đã bị móc mất cả số tiền dành chi tiêu cả tháng. .
Người gửi: Thịnh
Tôi từng bị móc cắp mất điện thoại tại bến xe Long Biên, nhận ra tên lấy cắp của mình mà không thể làm gì được. Tôi không hiểu sao tại khu vực xung quanh cầu Long Biên các xe "ôm" được phép ngang nhiên để xe máy dưới lòng đường mà cảnh sát giao thông không có động thái nào.
Người gửi: Nguyễn Thế Kiên
Tôi vô cùng khâm phục sự dũng cảm cũng như tinh thần hết lòng vì công việc của các anh chị phóng viên. Công việc theo dõi bọn đạo chích đáng ra phải là của công an.
Tôi đã ba lần bị móc mất điện thoại di động trên xe buýt và tôi thật sự chán ghét cảnh tượng này. Tại sao ngành công an và các công ty xe buýt đều biết, nhưng không có động thái gì?