Theo lãnh đạo Tổng cục Đường bộ, đối với ôtô, sẽ tính mức thu với từng loại xe và thu theo tháng với chu kỳ 1, 3 hoặc 6 tháng. Còn xe máy sẽ thu hàng năm thông qua công tác tuyên truyền vận động và phối hợp với cơ quan bảo hiểm bán bảo hiểm mô tô, xe máy. Dự kiến mỗi xe máy sẽ chịu mức phí là 80.000 đồng một năm.
Sau khi lập quỹ bảo trì, hơn 20 trạm thu phí hiện nay do nhà nước quản lý sẽ ngừng hoạt động, được sắp xếp, chuyển đổi theo lộ trình phù hợp trong khoảng 1,5 đến 3 năm.
![]() |
Các trạm thu phí BOT mới được hoạt động sau khi có quỹ bảo trì đường bộ. Ảnh: Hoàng Thùy. |
Tuy nhiên, còn khá nhiều trạm thu phí theo hình thức xây dựng, kinh doanh và chuyển giao (BOT) thì vẫn tồn tại. Đối với 5 trạm đã đấu thầu quyền thu phí thời hạn 5 năm sẽ tiếp tục được thực hiện hết thời hạn. Đối với 15-16 trạm thu phí theo hình thức BOT khác sẽ vừa thu phí vừa hoàn vốn đầu tư, vừa phục vụ sửa chữa các công trình BOT.
Theo ông Quyền, các trạm thu phí BOT được đầu tư xây dựng theo tiêu chuẩn cao, nhà đầu tư phải hồi vốn nên thu phí để hoàn vốn là cần thiết. Kinh nghiệm như ở các nước song song với thu phí theo đầu phương tiện hoặc qua xăng dầu thì vẫn thu phí ở các công trình BOT cho nhà đầu tư thu hồi vốn. Tuy nhiên, mức phí sẽ được điều chỉnh để phù hợp với quyền lợi của nhà nước và người sử dụng đường bộ.
Dự thảo mới về đề án quỹ bảo trì đường bộ sẽ được Bộ Giao thông Vận tải lấy ý kiến đóng góp, hoàn thiện trước khi trình lên Thủ tướng. Trong năm 2010, Bộ đã dự thảo 2 phương án thu phí bảo trì đường bộ là thu theo giá xăng và theo đầu phương tiện. Theo đó, mức đề xuất tính phí đường bộ qua giá xăng là 1.000 đồng mỗi lít.
Việt Nam hiện có hơn 256.600 km đường bộ, trong đó quốc lộ là hơn 17.200 km, tỉnh lộ 23.530 km.. Tuy nhiên, mỗi năm chúng ta chỉ nâng cấp và xây dựng được trên 1.000 km đường quốc lộ, 10.000 m mặt cầu và một số đường hướng tâm tới các đô thị lớn. Tình trạng kỹ thuật đường bộ còn kém, đường hẹp, mặt đường chưa đảm bảo, sụt trượt còn xảy ra thường xuyên, gây ách tắc giao thông. |
Đoàn Loan