Từ TP HCM ra biển Đông chỉ có con đường độc đạo là Rừng Sác, đi qua huyện Cần Giờ. Với tầm quan trọng đó, con đường dài hơn 31 km được đầu tư xây dựng từ năm 2002, đến nay mới chính thức được thông xe giai đoạn 1.
Đường Rừng Sác tạo tiền đề cho sự phát triển huyện Cần Giờ, sáng nay được thông xe giai đoạn 1 gồm 3 làn xe. Ảnh: Kiên Cường |
Tuy chỉ mới thông 3 trong 6 làn xe và đường mới thông vẫn chưa hoàn chỉnh, nhiều đoạn còn đá dăm hoặc mới chỉ làm xong một phần; nhưng đây được xem như một sự kiện đáng mừng của người dân TP HCM. Sau bao năm chờ đợi, huyện Cần Giờ đã được chắp thêm "đôi cánh" để phát triển.
"Đây là một công trình có ý nghĩa hết sức đặc biệt cho TP HCM và huyện Cần Giờ. Con đường này tạo bước chuyển biến mới cho sự phát triển của huyện, mảnh đất chịu nhiều đau thương trong thời chiến", Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết phát biểu trong lễ thông xe sáng nay.
Sáng nay, người dân huyện Cần Giờ đã xem sự kiện này như một lễ hội. Từ phà Bình Khánh, tức đoạn giáp ranh Cần Giờ với huyện Nhà Bè, người dân đã xôn xao bàn tán, hai bên đường một số người cũng dừng lại xem lễ thông xe.
"Từ một lối mòn, dọc hai bên là kênh rạch, đầm lầy, nay con đường đã trở nên xuyên suốt nối TP HCM với biển Đông, xóa thế độc đạo lâu đời", ông Lê Văn Kim, 82 tuổi, người dân huyện Cần Giờ xúc động nói.
Giai đoạn 2, phần đường bên phải sẽ hoàn tất cuối năm nay, tạo tiền đề cho TP HCM phát triển ra biển Đông. Ảnh: Kiên Cường |
Tuyến huyết mạch nối thẳng TP HCM ra biển Đông được đầu tư năm 2002 với số tiền cho giai đoạn 1 là 291 tỷ đồng, giai đoạn 2 cần 102 tỷ đồng. Nhưng sau 4 năm thi công, đến cuối năm 2006, giai đoạn 1 là đắp nền vẫn chưa hoàn chỉnh, mặt đường gần như nguyên hiện trạng ban đầu. Có lúc đường ra biển Đông được mệnh danh là đường "rùa" vì tốc độ thi công chậm chập, 7 cây cầu trên tuyến cũng bị treo.
Đến năm 2007-2008, UBND TP HCM phê duyệt phương án xây dựng mở rộng đường Rừng Sác giai đoạn hoàn thiện mặt đường theo quy mô 6 làn xe. Tổng chiều dài toàn tuyến hơn 31 km, điểm đầu tuyến là giáp bến phà Bình Khánh - điểm cuối tuyến là ngã tư 30/4 thuộc xã Long Hòa, huyện Cần Giờ.
Tổng giá trị đầu tư phần đường hơn 1.400 tỷ đồng. Tiền đầu tư 7 cầy cầu là 500 tỷ đồng. Hiện tại 6 cây cầu trên tuyến đã hoàn thành và chỉ còn một cầu vẫn đang thi công.
Hôm nay, 3 làn xe đã được hoàn thành. Dự kiến giai đoạn 2, hoàn thành tiếp 3 làn xe tiếp theo kết thúc vào cuối năm nay.
Ngoài việc thông xe đường Rừng Sác, hôm nay, người dân huyện Cần Giờ cũng đón nhận tin vui khác: khởi công xây dựng hệ thống cung cấp nước sạch huyện Cần Giờ.
Huyện Cần Giờ từ lâu nay rất khan hiếm nước sạch đúng tiêu chuẩn để cung cấp cho các nhu cầu sử dụng hằng ngày của người dân và phục vụ cho sản xuất - dịch vụ. Đồng thời nguồn nước nhiễm mặn do nước biển thâm nhập, để xử lý thành nước ngọt cần chi phí rất cao.
Lâu nay, nhu cầu sinh hoạt với tiêu chuẩn bình quân khoảng 60 lít một người mỗi ngày, tức chỉ bằng 50% so với tiêu chuẩn sử dụng nước bình quân của thành phố. "Nếu mua nước ở thuyền nhỏ, phải mất 30.000-35.000 đồng một m3. Nước được chở bằng bồn thì phải 60.000 đồng một m3. Bao năm nay chúng tôi phải vật lộn với nước", chị Lý Thị Gấm, nhà ở xã An Thới Đông, huyện Cần Giờ, vui mừng vì dự án nước sạch được bắt đầu.
Dự án “Xây dựng hệ thống cấp nước sạch cho huyện Cần Giờ” được Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn triển khai 2 giai đoạn: giai đoạn 1 nhằm mục tiêu đáp ứng nhu cầu sử dụng nước cho toàn huyện đến năm 2015 dân số khoảng 150.000 người. Giai đoạn 2 nâng cấp mở rộng công trình vào khoảng năm 2020, nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng nước năm 2025 của 300.000 người dân, định mức nước sử dụng bình quân 120 lít một người mỗi ngày. Tổng mức đầu tư hơn 820 tỷ đồng.
Kiên Cường