Sở Giao thông Vận tải cho biết, CII đang thi công trạm thu phí trên quốc lộ 13 (đoạn giữa mố bắc cầu Bình Triệu 1 đến ngã tư Bình Triệu), quận Thủ Đức. Dự kiến đến cuối tháng 7, CII sẽ thu phí giao thông đối với ôtô đi từ quận Bình Thạnh qua cầu Bình Triệu 1 hướng về Thủ Đức.
Theo CII, việc thu phí ở cầu Bình Triệu 1 và 2 được thực hiện theo hợp đồng BOT (đầu tư, xây dựng và chuyển giao) giữa UBND thành phố và CII. Trong đó, CII đã hoàn vốn 165 tỷ đồng cho Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 5 (đơn vị đầu tư xây dựng cầu Bình Triệu 2 cùng một số hạng mục ở dự án cầu đường Bình Triệu 2) và hơn 83 tỷ đồng đầu tư nâng cấp cầu Bình Triệu 1 cho xe tải có trọng tải 16-32,5 tấn lưu thông.
![]() |
Khu vực ngã tư Bình Triệu (quốc lộ 13 - Kha Vạn Cân) là điểm nóng thường xuyên bị ùn tắc nên theo nhiều chuyên gia, khả năng kẹt xe nghiêm trọng hơn khi lắp đặt thêm một trạm thu phí tại khu vực này là rất cao. Ảnh: H.C |
Tuy nhiên, việc đặt trạm thu phí trên quốc lộ 13 đoạn từ cầu Bình Triệu 1 đến ngã tư Bình Triệu (giao lộ quốc lộ 13 - Kha Vạn Cân) có nguy cơ gây ùn tắc giao thông. Do đó, Sở Giao thông Vận tải chỉ cho phép CII lắp đặt thử nghiệm trạm thu phí ở đây trong một tháng và nếu xảy ra ách tắc thì sẽ phải tháo bỏ.
Trước đó vào tháng 8/2011, CII đã kiến nghị UBND thành phố cho đặt thêm một trạm thu phí dưới chân cầu Bình Triệu 1 (phía quận Thủ Đức) nhằm thu phí hoàn vốn cho dự án BOT cầu đường Bình Triệu 2. Tuy nhiên, thời điểm đó nhiều chuyên gia cho rằng việc lắp đặt trạm thu phí ở khu vực này sẽ gây kẹt xe nghiêm trọng hơn bởi ngã tư Bình Triệu vốn là "điểm nóng" về tắc nghẽn ở cửa ngõ phía đông thành phố. Thêm vào đó, khu vực này thường xuyên bị ngập cùng với lượng xe lớn ra vào bến xe Miền Đông mỗi ngày.
TP HCM hiện có 6 trạm thu phí gồm: trạm cầu Bình Triệu (trên quốc lộ 13), xa lộ Hà Nội, An Sương - An Lạc, Kinh Dương Vương, Cầu Phú Mỹ, Nguyễn Văn Linh. Các doanh nghiệp vận tải và người dân luôn phàn nàn vì tình trạng ra đường gặp trạm thu phí như hiện nay. Việc đặt thêm một trạm ở cầu Bình Triệu 1 sẽ khiên một đoạn đường ngắn từ Bến xe Miền Đông đi Bình Dương dài chưa đến 30 km nhưng có đến 3 trạm thu phí ở cầu Bình Triệu 1 (TP HCM), Vĩnh Phú và Suối Giữa (Bình Dương).
![]() |
Trạm thu phí mới sẽ nằm song song với trạm thu phí cầu Bình Triệu 2, ở đoạn giữa cầu Bình Triệu và ngã tư Bình Triệu. Ảnh: H.C. |
Ông Thái Văn Chung, Tổng thư ký Hiệp hội vận tải Hàng hóa TP HCM cho biết, theo Thông tư 90 của Bộ Tài chính, chủ đầu tư khi thu phí phải đáp ứng đủ 4 điều kiện. Trong đó có điều kiện phải hoàn thành việc xây dựng, sửa chữa, nâng cấp dự án đến khi cấp có thẩm quyền phê duyệt, bảo đảm chất lượng trước khi thu phí. "Theo đó, CII chưa đủ điều kiện thu phí vì mới chỉ nâng cấp cầu mà chưa làm xong đường", ông Chung nói.
Cũng theo Tổng thư ký Hiệp hội vận tải Hàng hóa TP HCM, hiện nay tại các tỉnh thành đều có nhiều trạm thu phí bố trí bất hợp lý. Điều này dẫn đến tình trạng phí chồng phí, khiến người dân phải chi tiền quá nhiều. Theo quy định của Bộ Tài chính các trạm thu phí phải cách nhau tối thiếu 70 km, các trạm hiện nay đa số đều vi phạm thông tư này. Hiệp hội đã nhiều lần gửi văn bản đến Bộ Giao thông Vận tải để góp ý, song kết quả không như mong muốn vì các trạm thu phí đã thiết lập từ nhiều năm trước nên việc di dời gặp nhiều khó khăn.
Dự án cầu đường Bình Triệu được khởi công tháng 2/2001, do Tổng công ty Công trình giao thông 5 (Cienco 5) làm chủ đầu tư. Nhưng đến năm 2002, TP HCM đã điều chỉnh dự án mở rộng quốc lộ 13 (từ ga Bình Triệu đến ngã tư Bình Phước, quận Thủ Đức) từ 32 mét lên 53 mét nên số vốn tăng từ 341 tỉ đồng lên 1.600 tỉ đồng. Số vốn này vượt quá khả năng của nhà đầu tư nên sau khi xây dựng xong cầu Bình Triệu 2, Cienco đã rút khỏi dự án. Đến tháng 3/2005, UBND TPHCM giao lại dự án này cho CII làm chủ đầu tư. Tháng 7/2007, CII mới trình UBND TP HCM thẩm định điều chỉnh dự án cầu đường Bình Triệu 2, với tổng mức đầu tư 3.493 tỷ đồng, đồng thời chia nhỏ dự án ra thành 7 tiểu dự án. |
Hữu Công