Trao đổi với VnExpress, ông Lê Văn Phước, Giám đốc Công ty điện lực thành phố cho biết: "Lịch cúp điện dày đặc đến cuối tháng 4 là do các kế hoạch phân bố sản lượng điện của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) cho TP HCM không đủ đáp ứng nhu cầu. Mặt khác, việc công ty phải ngưng cung cấp điện để bảo trì, nâng cấp mạng lưới cũng khiến tình hình thiếu điện càng trầm trọng hơn".
Để khắc phục tình trạng này, theo ông Phước, cách tối ưu nhất là người dân tiết kiệm điện. Thực tế ngay cả khi nguồn điện dồi dào thì việc tiết kiệm cũng được tuyên truyền thường xuyên.
TP HCM đã đăng ký định mức với EVN, sẽ tiết kiệm hơn 124,5 triệu kWh điện trong năm 2008.
Ông Phước cho biết, chưa tính được liệu thành phố sẽ thiếu bao nhiêu kWh trong mùa khô, song ngành điện đang tổ chức sắp xếp lịch cắt điện hợp lý để không ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt của người dân, cũng như các doanh nghiệp sản xuất.
Ông Trần Trọng Khuê, Giám đốc Công ty chiếu sáng công cộng thành phố khẳng định công ty cũng bắt đầu triển khai kế hoạch tiết kiệm chiếu sáng đường phố. Cụ thể, ngành sẽ cắt điện luân phiên xen kẽ đèn chiếu sáng (một sáng một tắt) trên nhiều tuyến đường; giảm hộp đèn pano quảng cáo...
Nhiều khu vực tại TP HCM 10 ngày cuối tháng sẽ bị cắt điện để chuyển tải, nâng cấp mạng lưới và bù thiếu năng lượng. Ảnh: Kiên Cường. |
Trước thông báo của Công ty điện lực thành phố, người Sài Gòn đang chuẩn bị tinh thần sống không điện. Hôm qua, bà Hai Thanh ở quận 4 thúc giục con dâu trữ nước dùng càng nhiều càng tốt, phòng máy bơm không thể hoạt động được.
Một phụ huynh ở quận 7 ngán ngẩm, mỗi khi cúp điện, con trai nhỏ 7 tuổi của chị nhất quyết không chịu ở nhà vì quá nóng mà nằng nặc đòi mẹ chở sang nhà ngoại ở quận 1. Việc làm ở công ty, sinh hoạt gia đình cũng theo đó mà xáo trộn, bê trễ.
Một số gia đình bấm bụng bỏ ra 150.000-200.000 đồng thuê máy phát điện về nhà. "Tính luôn cả tiền xăng chạy máy, trong ngày cúp điện gia đình tôi phải tốn thêm khoảng 250.000 đồng nữa", một khách hàng thuê máy ở cửa hàng trên đường Lý Thường Kiệt cho biết. Song ông cho rằng tình thế buộc phải có máy phát, vì gia đình ông có người già, người bệnh tại nhà nên cần duy trì nguồn điện thường xuyên.
Giới doanh nghiệp sản xuất thì đang phải sắp xếp lại kế hoạch làm việc của công nhân để bù giờ nghỉ do mất điện. Ông Lê Đức Tân, Giám đốc công ty chuyên về may hàng xuất khẩu xuất sang thị trường Đức cho biết, ông đang lo lắng trước lịch cúp điện dày đặc trong 10 ngày tới. Hầu hết hợp đồng xuất khẩu đều được ký kết với thời gian giao hàng tính rất sít sao. Còn một tuần nữa đến ngày giao hàng, tuần này công ty phải cho công nhân tăng ca liên tục để bù lúc không có năng lượng chạy máy.
Bị cắt điện, chi phí sản xuất tăng lên mọi bề: Phải trả lương công nhân tăng ca nhiều; xuất hàng trễ một ngày, công ty sẽ bị đối tác trừ 1% giá trị đơn hàng. Trường hợp gấp quá phải vận chuyển hàng bằng đường hàng không cho kịp hợp đồng, công ty phải chịu chi phí vận chuyển phát sinh chóng mặt.
Ông Lê Anh Dũng, Trưởng phòng kinh doanh xuất nhập khẩu công ty Minh Châu, quận Tân Bình, thì cho hay đơn vị sắp xếp khi cúp điện công nhân được nghỉ và làm bù vào ngày khác. Tuy nhiên, việc thay đổi ngày làm bất thường rất mệt mỏi cho công nhân, năng suất làm việc vì thế cũng kém đi.
Giám đốc một công ty gia công hàng thủ công mỹ nghệ ở quận Tân Phú nhẩm tính, mỗi ngày bị cắt điện một giờ đồng hồ, nếu điện lực có thông báo trước, doanh nghiệp bị thiệt hại khoảng 5% doanh thu. Tuy nhiên, giờ hành chính mà cúp điện đột ngột thì thiệt hại lên đến 10-15% doanh thu.
Kiên Cường - Vi Vi