Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra, làm rõ thông tin liên quan đến tình trạng chặt phá rừng đầu nguồn, khai thác gỗ trái phép ở tất cả lưu vực thủy điện.
Cụ thể, cơ quan chức năng phải rà soát, tổng kiểm tra nạn phá rừng phòng hộ đầu nguồn ở lưu vực thủy điện các công trình Sông Tranh 2 (Bắc Trà My và Nam Trà My), Đăk Mi 4 (Phước Sơn), A Vương (Đông Giang), Sông Bung 2 và Sông Bung 4 (vùng giáp ranh hai huyện Nam Giang và Tây Giang), Sông Tranh 3 (Tiên Phước).
Kết quả kiểm tra báo cáo Thủ tướng trước ngày 20/4 tới.
![]() |
Những thân gỗ Chò cổ thụ hơn 100 năm tuổi bị người dân vùng tái định cư ở xã Trà Bui, huyện Bắc Trà My (Quảng Nam) đốn hạ để lấy đất làm nương rẫy. Ảnh: Trí Tín. |
Theo báo cáo các địa phương có công trình thủy điện nói trên, tình trạng khai thác, vận chuyển gỗ trái phép ở lưu vực đang diễn biến phức tạp, tác động tiêu cực đến môi trường và công tác quản lý bảo vệ rừng.
Chẳng hạn ở lưu vực thủy điện Sông Tranh 3, huyện Tiên Phước, dân phá rừng để trồng cây nguyên liệu khiến gần 60 ha rừng quý hiếm bị xâm hại.
Lưu vực Sông Tranh 2 ở huyện Bắc Trà My trong 5 năm qua, dân đã phá hơn 48 ha rừng phòng hộ đầu nguồn. Hàng trăm cây cổ thụ bị cưa hạ, "ngốn" hết 700 m3 gỗ rừng tự nhiên...
![]() |
Bãi gỗ vừa được xẻ thành phách ở rừng phòng hộ lưu vực thủy điện Sông Tranh 2. Ảnh: Trí Tín. |
Trao đổi với VnExpress.net, ông Đoàn Tất Chẩn, Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Tranh 2 cho biết, chỉ ngày 23-24/3, hai ông Hồ Văn Giỏi và Hồ Văn Đoàn ở xã Trà Bui đã chặt hạ trái phép 6 cây chò cổ thụ hơn 100 năm tuổi.
Ông Chẩn lý giải, do khi lấy đất làm thủy điện, chính quyền tổ chức tái định cư đưa dân vào rừng phòng hộ bất hợp lý. Mấy năm qua chính quyền lại chưa cấp đất sản xuất, chuyển đổi ngành nghề cho dân, cuộc sống nghèo khó nên họ ồ ạt phá rừng phòng hộ để kiếm sống.
Trí Tín