- Là người trực tiếp dự kỳ họp thứ 34 của UNESCO, khi nghe công bố Hoàng thành Thăng Long là di sản thế giới, cảm giác của bà như thế nào?
- Lúc đó chúng tôi rất xúc động, thực sự biết ơn các nhà khoa học, nhà quản lý đã phát hiện ra di sản có giá trị, đồng thời cũng thấy được trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ di tích.
Hoàng thành Thăng Long được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới vì ý nghĩa lịch sử, văn hóa trong tương quan với các di tích tương tự ở các nước láng giềng và khu vực. Giá trị này vẫn được hiện hữu bằng những di tích, di vật có tính nguyên gốc và toàn vẹn. Di sản đó còn ẩn chứa vô vàn giá trị văn hóa phi vật thể, có thể bảo tồn, phục hồi.
- UNESCO đã khuyến nghị gì đối với di tích Hoàng thành Thăng Long sau khi công nhận là di sản văn hóa thế giới?
- UNESCO đã khuyến nghị 5 vấn đề, đó là phải tăng cường nghiên cứu, khảo cổ thêm; xác định rõ và kiểm soát chặt chẽ khu vực bảo vệ, vùng đệm của di sản; xây dựng kế hoạch chi tiết quản lý di sản và đào tạo nhân lực bền vững. Ngoài ra, khi phát huy di sản để phục vụ công chúng, khách du lịch, cần có các biện pháp bảo quản, kế hoạch quản lý và hướng dẫn du khách để phát triển du lịch văn hóa bền vững.
![a](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2010/08/11/dsc3801-988371-1368800422.jpg?w=500&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=RDIdFpjYfWXoBXGtXG5xzA)
Bắc Môn được xây bằng đá tảng, gạch nung rất kiên cố. Ảnh: Quang Xuân.
- Vậy làm thế nào để khai thác du lịch mà không ảnh hưởng đến di sản?
- Những người quản lý di sản luôn phải đặt vấn đề hàng đầu là nhận thức của du khách, giúp họ nhận thấy được đầy đủ giá trị di sản. Họ sẽ không xả rác gây ô nhiễm môi trường hay vẽ bậy.
Như ở vịnh Hạ Long, công tác quản lý môi trường với sự tham gia của người dân khá tốt. Trước khi vịnh Hạ Long được công nhận di sản thiên nhiên thế giới, tôi đến đây thấy ô nhiễm môi trường khá nghiêm trọng, song nay thì cải thiện nhiều. Địa phương có kinh phí khuyến khích người dân tham gia thu gom rác, và người dân tự nhận thức nếu xả rác sẽ ảnh hưởng ngay đến họ.
- Có ý kiến cho rằng Hoàng thành Thăng Long dễ bị xâm hại do con người vì nằm ở trung tâm Hà Nội, bà nghĩ sao về điều này?
- Tôi lo ngại các dự án, công trình lân cận ảnh hưởng đến cảnh quan thành cổ. Các công trình ở đây không được xây dựng quá cao, phải theo đúng quy định. Vấn đề bảo vệ di sản đã nằm trong công ước quốc tế mà các quốc gia thành viên phải cam kết. Chính phủ Việt Nam đã cam kết thực hiện theo công ước của UNESCO. Theo Luật Di sản văn hóa, các dự án trong khu vực di sản đều phải qua Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch thẩm định.
Nếu chúng ta phá vỡ cam kết sẽ bị rút khỏi danh sách di sản nhân loại. Như thung lũng Elbe ở Dresden (Đức) đã bị rút khỏi danh sách di sản năm trước khi nước này xây dựng một cầu đường bộ ảnh hưởng đến cảnh quan.
- Hiện du khách rất muốn tham quan các khu vực và di vật đã khảo cổ tại Hoàng thành Thăng Long, nhưng lại không được xem. Trong tương lai việc này sẽ được giải quyết thế nào?
- Công chúng có quyền được tham quan, song xem như thế nào và cách thức quản lý như thế nào thì các nhà quản lý sẽ đưa ra để giải quyết hài hòa, an toàn cho di sản.
Đoàn Loan thực hiện